EU vượt qua thách thức về năng lượng

Các nước Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị kết thúc mùa đông trong bối cảnh trữ lượng khí đốt của khối đang ở mức cao kỷ lục. Nỗ lực triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung đã giúp Liên minh Cờ xanh từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng từng làm chao đảo nền kinh tế khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng ở Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)
Tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng ở Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, tình hình nguồn cung năng lượng ở châu Âu đã được cải thiện đáng kể. Tính đến đầu tháng 3, các cơ sở dự trữ khí đốt tại EU và Anh đã đạt 62% công suất, cao hơn so với mức 41% cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2020.

Trong khi đó, sau nhiều lần liên tiếp phá vỡ các mốc kỷ lục tăng giá, giá khí đốt tại châu Âu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua.

Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến EU dần vượt qua những thách thức về năng lượng, trong đó có việc khối đã quyết liệt triển khai các biện pháp hạn chế lượng tiêu thụ.

Năm 2022, các nước EU đặt mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt. Đây là một trong nhiều biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi Nga giảm nguồn cung cho châu Âu, đẩy giá khí đốt lên cao kỷ lục. Đến nay, EU vẫn tiếp tục duy trì nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua một đạo luật mới yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy cải tạo các tòa nhà để hạn chế tiêu thụ năng lượng. Theo giới quan sát, những biện pháp của EU đã mang lại “trái ngọt”. IEEFA cho biết, hiện nhu cầu khí đốt của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn cung và phát triển năng lượng tái tạo cũng đặc biệt được chú trọng. Chính sách hỗ trợ của EU đã tạo nên bước nhảy vọt trong phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại các nước thành viên.

Theo WindEurope, hiệp hội thúc đẩy sử dụng điện gió ở châu Âu, năm 2023, đầu tư vào điện gió ngoài khơi ở châu Âu tăng lên 30 tỷ euro, từ mức 0,4 tỷ euro trong năm 2022. Các nước thành viên đã lắp đặt nhiều trang trại điện gió mới với tổng công suất cao kỷ lục.

WindEurope dự kiến, châu Âu đạt tổng công suất năng lượng gió lên tới 393 GW vào năm 2030, tiến gần đến mức 425 GW cần thiết để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo năm 2030 của EU. Hoạt động sản xuất điện hạt nhân cũng đạt được những tiến bộ về sản lượng vào nửa cuối năm 2023 và dự kiến tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong năm 2024.

Ngoài ra, EU cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng hydro. Mới đây, EC đã phê duyệt khoản viện trợ nhà nước trị giá 6,9 tỷ euro cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy việc cung cấp hydro xanh.

Theo EC, các dự án sẽ hỗ trợ triển khai những thiết bị điện phân quy mô lớn để sản xuất hydro xanh và hệ thống đường ống vận chuyển, đồng thời phát triển các cơ sở lưu trữ hydro quy mô lớn và xây dựng bến cảng và cơ sở hạ tầng cảng cho tàu chở hydro dạng lỏng.

Với những nỗ lực nêu trên của EU, liên minh 27 nước thành viên đã bước đầu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, trong dài hạn, EU vẫn đối mặt với thách thức bảo đảm nguồn cung.

Hiện phần lớn lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu của EU đến từ Mỹ và Trung Đông. Thực trạng này có nguy cơ gây ra sự phụ thuộc mới cho châu lục và châu Âu vẫn có thể đối mặt những đợt tăng giá đột biến trong tương lai do gián đoạn nguồn cung hoặc nhu cầu tăng mạnh, nhất là vào mùa đông.

Nhà phân tích năng lượng hàng đầu thuộc IEEFA Ana Maria Jaller-Makarewicz cho rằng, EU đã đối mặt với những rủi ro về an ninh năng lượng do sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung.

Vì vậy, Liên minh Cờ xanh cần tránh để kịch bản cũ lặp lại và trở nên phụ thuộc quá mức vào Mỹ, nước đã cung cấp khoảng 50% lượng LNG nhập khẩu của EU trong năm 2023.

Giới phân tích cho rằng, giai đoạn sóng gió nhất đối với thị trường năng lượng EU đã qua. Tuy nhiên, để sớm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, EU cần tiếp tục tăng tốc sản xuất năng lượng sạch.