Các nước có chương trình phục hồi kinh tế được "bật đèn xanh" gồm Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ, Ðan Mạch, Ðức, Hy Lạp, Latvia, Luxembourg, Bồ Ðào Nha và Slovakia.
EU đã đạt thỏa thuận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro vào tháng 7/2020, nhưng chương trình này cần được tất cả 27 thành viên thông qua trước khi Ủy ban châu Âu có thể huy động vốn nhân danh EU. Theo kế hoạch, các nước EU cùng chịu khoản nợ chung nhằm giúp giảm chi phí đi vay cho các nước yếu hơn. Tây Ban Nha và Italia là hai nước chịu tác động nặng nề của đại dịch và được hưởng phần lớn từ quỹ phục hồi, với mức gần 70 tỷ euro cho mỗi nước. Khoản hỗ trợ được đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và môi trường.
Trong bối cảnh EU triển khai quỹ phục hồi kinh tế, Mỹ hối thúc các đồng minh châu Âu tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Phát biểu trước cuộc họp của những người đồng cấp EU, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len) nhấn mạnh, điều quan trọng là các nước EU nghiêm túc xem xét các biện pháp tài khóa bổ sung, bảo đảm phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế của khối cũng như toàn cầu.
Ðánh giá cao các giải pháp kinh tế của EU trong bối cảnh đại dịch hoành hành, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ vẫn lưu ý rằng, tình trạng bất ổn vẫn ở phía trước và chi tiêu công của châu Âu và Mỹ sẽ vẫn được hỗ trợ thúc đẩy cho đến năm 2022. Mỹ kêu gọi các nước EU nâng cao năng lực phản ứng nhanh chóng với khủng hoảng, ngay cả khi điều này làm gia tăng thâm hụt và nợ.