Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Sahel gia tăng nhanh chóng do xung đột, nghèo đói cùng cực, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Những hậu quả kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 cũng làm tăng áp lực đối với các hệ thống y tế vốn yếu kém và nhu cầu nhân đạo ngày càng cao tại Sahel.
Số người bị rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực thuộc bốn quốc gia Burkina Faso, Mali, Niger và Mauritania đã tăng lên mức kỷ lục so với những năm trước. Dự đoán, Sahel sẽ phải đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2022 trong thời kỳ giáp hạt, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo, những thiếu hụt kinh phí đáng kể làm ảnh hưởng đến khả năng giúp đỡ người dân trong thời gian giáp hạt ở Sahel.
Trong năm 2021, EU đã phân bổ tổng cộng 237,4 triệu euro cho các nước vùng Sahel. Một phần của khoản tài trợ này được sử dụng để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực mà khu vực này đang trải qua năm thứ tư liên tiếp, trong đó nạn nhân chủ yếu là người dân trong các khu vực xung đột. Viện trợ nhân đạo của EU hỗ trợ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và dinh dưỡng khẩn cấp cho người dân, giúp họ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch, cũng như điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em và bảo vệ những người dễ bị tổn thương khác. Ngoài ra, nguồn tài trợ của EU bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục an toàn cho trẻ em bị ảnh hưởng do xung đột vũ trang.
Viện trợ nhân đạo bổ sung của EU dành cho khu vực Sahel cho thấy mong muốn của EU là giúp đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cũng như sự thiếu hụt về kinh phí, cung cấp thêm sự hỗ trợ cho những người dân dễ bị tổn thương nhất ở Sahel. Theo thống kê của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, hiện có 29 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Sahel, khu vực ghi nhận tình trạng mất an ninh và nghèo đói ở mức "chưa từng thấy" tại sáu quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Tại Burkina Faso, miền bắc Cameroon, Chad, Mali, Niger và đông bắc Nigeria, số người cần viện trợ lương thực năm nay tăng thêm năm triệu người so với năm 2020.
Khu vực Sahel bán khô hạn, một vùng rộng lớn trải dài dọc theo vành đai phía nam của Sahara từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ, đã bị bạo lực hoành hành trong nhiều năm qua. Ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố, bạo lực, tống tiền. Ở Trung Sahel và vùng Hồ Chad, bạo lực không có dấu hiệu giảm, với các vụ tấn công và bắt cóc xảy ra hằng ngày, đe dọa cuộc sống của hàng triệu dân thường. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng gia tăng. Phụ nữ và trẻ em gái trong các cộng đồng địa phương phải đối mặt nguy cơ bị bắt cóc, cưỡng hôn, tấn công tình dục. Khoảng 5,3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì tình trạng mất an ninh trên toàn Sahel. Hàng nghìn trường học đã phải đóng cửa và 1,6 triệu trẻ em được dự đoán sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.