Trong một thông báo, người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU Peter Stano nhấn mạnh: “Sự hiện diện tối thiểu của chúng tôi tại Kabul không đồng nghĩa với việc công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan”. Ông Peter Stano cho biết thêm, điều này đã được xác định rõ với Taliban.
Ông Peter Stano khẳng định: “EU đã bắt đầu tái thiết lập sự hiện diện tối thiểu của Phái đoàn EU ở thủ đô Kabul nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động phân phát viện trợ nhân đạo tại Afghanistan, cũng như giám sát các hoạt động nhân đạo ở nước này”.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8/2021, các nước phương Tây đã đóng băng viện trợ quốc tế và phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan ở nước ngoài, khiến cuộc khủng hoảng ở nước này ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong một diễn biến khác, các đại diện của Taliban sẽ đến Na Uy vào cuối tuần này để tiến hành cuộc đàm phán kéo dài ba ngày nhằm tìm cách giảm bớt sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Afghanistan.
Reuters dẫn lời giới chức Na Uy cho biết, phái đoàn Taliban sẽ có các cuộc gặp với giới chức Na Uy cùng các nhà ngoại giao của một số quốc gia khác từ ngày 23 đến 25/1 tới. Cùng với đó, Taliban cũng sẽ có các cuộc gặp với một nhóm những công dân Afghanistan đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm các nữ lãnh đạo, các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, nhằm giải quyết những vấn đề về kinh tế, xã hội, nhân đạo ở nước này.