Trên mạng Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, sau thông báo Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, EU đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và lên kế hoạch cho 1 phản ứng phối hợp của khối.
Trước đó, Tập đoàn năng lượng Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do Moskva đã không nhận được khoản thanh toán bằng đồng ruble từ 2 quốc gia này cho các hợp đồng mua khí đốt.
Trong tuyên bố ngày 27/4, Gazprom cho hay đã thông báo tới 2 cơ quan năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan về quyết định ngừng cung cấp khí đốt, đồng thời nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo đúng chủ trương của Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tháng trước.
Gazprom khẳng định vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng.
Phản ứng trước động thái này, Bộ trưởng phụ trách an ninh năng lượng Ba Lan Piotr Naimski cho biết, nước này muốn hoàn thành đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2025, thay vì năm 2027 như kế hoạch ban đầu.
Tại Na Uy, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Vaar Energi, ông Torger Roed xác nhận công ty đang sản xuất nhiều khí đốt nhất có thể cho châu Âu, song trong ngắn hạn, doanh nghiệp này sẽ chưa thể tăng thêm sản lượng ngay.
Liên quan đến hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga, nhà vận hành Gascade cho biết trong 24 giờ qua, dòng khí đốt của Nga qua đường ống Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức-Ba Lan đã tăng mạnh từ mức 2.450.000 kWh/h lên 12.740.290 kWh/h.
Trong khi đó, số liệu của công ty vận hành TSO Eustream của Slovakia cho thấy, lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine sang Slovakia vào khoảng 442.747 MWh, cao hơn so với mức 411.629 MWh được ghi nhận trong 24 giờ trước đó.
Ngoài ra, dòng khí đốt sang Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 ở Biển Baltic ở mức 72.283.780 kWh/h, không thay đổi nhiều so với 1 ngày trước.
Cùng ngày, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã lần đầu tiên trong 5 năm giảm xuống dưới 1 USD đổi 1,06 USD, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về an toàn năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và châu Âu bị chững lại.
Cụ thể, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống còn 1 euro đổi được 1,0589 USD sau khi Gazprom tuyên bố sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Chỉ riêng trong tháng 4 này, đồng euro đã giảm giá hơn 4% và đang có nguy cơ giảm xuống mức thấp nhất theo tháng trong 7 năm, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc do Covid-19 đã khiến các nhà đầu tư bỏ qua đồng euro và chuyển sang kênh USD an toàn hơn.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã giảm 0,4%, đang trên đà giảm điểm 4 ngày liên tiếp và dao động quanh gần mức thấp nhất trong 6 tuần.
Trong khi đó, tính đến 8 giờ 31 phút giờ GMT (15 giờ 31 phút giờ Việt Nam), tỷ giá đồng ruble đã tăng 1,1% lên mức 76 ruble đổi được 1 euro. So với đồng USD, tỷ giá đồng ruble đã tăng 1% lên 72,82 ruble đổi được 1 USD.