EU đang thể hiện sự tiên phong trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, với các chính sách đầy tham vọng. Cụ thể, EU yêu cầu chính phủ các nước thành viên EU sử dụng tiền của khối này để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương đầu tư chuyển đổi sang năng lượng sạch. Một quỹ về chuyển đổi năng lượng công bằng trị giá 17,5 tỷ euro cũng được EU xây dựng nhằm hỗ trợ các cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh.
EU yêu cầu chính phủ các nước thành viên EU sử dụng tiền của khối này để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương đầu tư chuyển đổi sang năng lượng sạch. Một quỹ về chuyển đổi năng lượng công bằng trị giá 17,5 tỷ euro cũng được EU xây dựng nhằm hỗ trợ các cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, kế hoạch khí hậu của EU vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Ba Lan kiện EU ra tòa về chính sách khí hậu mà Ba Lan cho rằng sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, cũng như đe dọa an ninh năng lượng của nước này.
Tuy vậy, giới lãnh đạo EU khẳng định tiếp tục kiên định với kế hoạch chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng mà khối này đề ra. Theo Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic, việc châu Âu phải đối mặt với một mùa hè có những đợt nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt chính là những tín hiệu đáng lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu do Đại học Milan, nhóm vận động hành lang môi trường Greenpeace và Ủy ban Sông băng Italia thực hiện, những sông băng trên các đỉnh núi phủ đầy tuyết trên dãy Alps của Italia đang đối mặt nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Điều này có thể làm thay đổi cảnh quan vùng núi và dẫn đến “vòng luẩn quẩn” là làm tăng nguy cơ xảy ra hạn hán, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho nông dân địa phương.
Khẳng định rằng việc quyết liệt chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, Đức - một trong những thành viên có vị thế và tiếng nói quan trọng tại EU - đã đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi xanh.
Mới đây, Đức thông qua khoản ngân sách trị giá 57,6 tỷ euro cho các dự án đầu tư xanh vào năm 2024, tăng 60,2% so với mục tiêu năm nay. Động thái trên nhằm đưa quốc gia châu Âu này thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045. Bộ Tài chính Đức cho biết, phần ngân sách lớn nhất của Quỹ chống biến đổi khí hậu năm 2024 sẽ dành cho lĩnh vực xây dựng của Đức.
Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết rằng Pháp sẽ tăng gấp 3 lần công suất máy bơm nhiệt trong 4 năm tới để hiện thực hóa kế hoạch khí hậu của chính phủ. Các loại máy bơm nhiệt có cả hai chức năng sưởi ấm và làm mát đang được coi là phương án thay thế cho các hệ thống sưởi ấm chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như điều hòa nhiệt độ và lò hơi đốt gas.
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng ít phát thải thay cho các phương tiện cá nhân, Tổng thống Macron cho biết, Pháp sẽ chi 700 triệu euro để xây dựng 13 tuyến tàu điện trong và chung quanh các thành phố.
Một quốc gia EU khác là Tây Ban Nha cũng lên kế hoạch nâng công suất điện hydro xanh lên 11GW, gấp đôi so với mục tiêu trước đó là 4GW, đồng thời đề ra mục tiêu sản xuất phong điện và quang điện tham vọng hơn trước, lần lượt tăng từ 50GW lên 62GW và 22GW lên 76GW.
Kế hoạch khí hậu đầy tham vọng của EU có thể sẽ còn phải điều chỉnh trong thời gian tới để dung hòa những khác biệt giữa các thành viên. Tuy nhiên, việc quyết liệt hành động để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một bước đi đúng hướng của các quốc gia EU, tạo nền tảng quan trọng giúp khối này đạt được thành tựu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.