Kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được công bố ngày 20/7 tới, trong đó đề nghị các nước EU đưa các biện pháp khuyến khích tài chính cho các ngành giảm lượng tiêu thụ khí đốt, tăng sử dụng nhiên liệu chuyển đổi trong công nghiệp và các nhà máy điện, triển khai các chiến dịch thông tin thúc đẩy người tiêu dùng giảm sử dụng hệ thống sưởi và làm mát.
Ngày 13/7, Chính phủ Hungary tuyên bố "tình trạng nguy hiểm" vì khủng hoảng năng lượng, đồng thời thông báo kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong đó, Hungary dự kiến áp đặt lệnh cấm xuất khẩu củi, thúc đẩy khai thác than nâu trong nước, tái khởi động nhà máy điện tại Matra và mở rộng hoạt động tại nhà máy điện nguyên tử Paks gần Budapest.
Cùng ngày, Thủ tướng Séc Petr Fiala (P.Phi-a-la) tiết lộ, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 chống Nga, nhưng sẽ không bao gồm quy định hạn chế nhập khẩu khí đốt vì hiện rất nhiều nước thành viên EU không kịp ứng phó tình trạng nguồn cung từ Nga bị cắt giảm. Thủ tướng Fiala thừa nhận, Séc đang làm mọi cách để giảm phụ thuộc năng lượng của Nga, nhưng khó có được kết quả như mong muốn trong mùa đông này.
Ðể có thể thanh toán cho Tập đoàn Gazprom của Nga, Công ty Moldovagaz, nhà điều phối khí đốt quốc gia của Moldova, đã đề xuất tăng thuế khí đốt với người tiêu dùng. Giám đốc điều hành Moldovagaz xác nhận đã đề nghị cơ quan quản lý ngành năng lượng nhà nước tăng thuế khí đốt lên mức 60%.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (G.Tru-đô) đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận gần đây về việc cho phép chuyển các tuabin của Tập đoàn Gazprom của Nga đến các cơ sở bảo dưỡng định kỳ ở Montreal của Canada. Thủ tướng Trudeau nêu rõ, Canada không muốn các quy tắc trừng phạt Nga góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, gây tổn hại đối với người tiêu dùng ở châu Âu.
Trong khi đó, tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, hầu hết các trạm xăng đều đóng cửa, khiến việc cung cấp nhiên liệu bị gián đoạn sau cuộc đụng độ giữa các băng nhóm tội phạm. Ít nhất 89 người thiệt mạng kể từ khi bạo lực bùng phát hôm 8/7. Ngày 13/7, người biểu tình đã chặn các con đường ở thủ đô Port-au-Prince để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu gia tăng.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nêu rõ, UAE sẽ tiếp tục củng cố vai trò là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và ủng hộ an ninh năng lượng toàn cầu. UAE sẵn sàng hợp tác với tất cả quốc gia cùng có mục đích chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.