EU khởi động tiến trình mở rộng

Sau khi nước Anh rời “mái nhà chung châu Âu”, Liên hiệp châu Âu (EU) đang tính việc kết nạp thành viên mới, mở rộng khối này sau cuộc “ly hôn” lịch sử với nước Anh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nội khối còn nhiều bất đồng và đối mặt nhiều vấn đề như hiện nay, việc mở rộng EU rất có thể là “lợi bất cập hại”.

Các nguồn tin báo chí châu Âu cho biết, sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU từ ngày 31-1 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu S. Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu D.Sassoli đã công bố một lá thư gửi tới Anh, trong đó khẳng định việc Luân Đôn rời EU mở ra một “bình minh mới” cho châu Âu. Mặc dù việc “ly hôn” với nước Anh khiến EU lần đầu tiên mất đi một quốc gia thành viên, một trong những quốc gia lớn nhất và giàu nhất, chiếm 15% sức mạnh kinh tế, nhưng giới chức EU vẫn lạc quan về tương lai. Họ đồng thời khẳng định tiến trình Brexit rối loạn trong những năm qua đã phần nào đưa các quốc gia còn lại xích lại gần nhau và tiếp tục chung tay xây dựng tương lai chung.

Theo các nhà phân tích, cuộc “hôn nhân đổ vỡ” giữa Brussels với Luân Đôn vừa qua có một phần nguyên nhân từ việc EU mở rộng quá nhanh nhưng không vững chắc khiến bất đồng nội khối gia tăng. Tuy nhiên, điều này không ngăn được quyết tâm của EU tiếp tục mở rộng khối này. Ngay sau khi Anh chính thức rời “mái nhà chung châu Âu”, tiến trình mở rộng đã được khởi động mạnh mẽ hơn, hướng tới bổ sung hai thành viên mới là Bắc Macedonia và Albani. Báo chí châu Âu cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một hệ thống mới để kết nạp thêm thành viên. Theo đó, các quy định sau khi được sắp xếp hợp lý sẽ tránh trì hoãn hơn nữa việc bắt đầu giai đoạn đàm phán gia nhập EU khi các nước có nguyện vọng tham gia đã đáp ứng đủ điều kiện. Chủ tịch EC U.Leyen khẳng định rằng đề xuất này là “một thông điệp tích cực” đối với Bắc Macedonia và Albani. Trước đó, mong muốn của hai nước nêu trên về các cuộc đàm phán gia nhập nhanh chóng bị từ chối vào tháng 10-2019 do sự phản đối của một số thành viên EU, trong đó có Pháp.

Tuy nhiên, việc EU mở rộng thành viên vào thời điểm này không đơn giản trong bối cảnh các thành viên của khối vẫn bất đồng về vấn đề này. Cuối năm 2019, sáu nước EU đã gửi thư lên Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm J.Juncker, tuyên bố tích cực tham gia nỗ lực cải thiện tiến trình này. Áo, Séc, Italy, Ba Lan, Slovakia và Slovenia cũng thể hiện rõ quan điểm việc củng cố sức mạnh EU không thể hoàn thành nếu không có sự tham gia của các nước Tây Balkan. Trong khi đó Pháp và Hà Lan phản đối việc tiến hành đàm phán để Bắc Macedonia và Albani gia nhập EU. Tại Hội nghị cấp cao EU tháng 10-2019, EU đã phải quyết định hoãn đàm phán Bắc Macedonia và Albani gia nhập khối này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu khi đó Đ.Tu-xcơ cho biết các nhà lãnh đạo EU đã không đạt đồng thuận về việc khởi động đàm phán với hai nước nêu trên, do đó đã quyết định hoãn đến năm 2020.

Theo kế hoạch, EU sẽ thảo luận trở lại vấn đề kết nạp Bắc Macedonia và Albani trước khi diễn ra hội nghị cấp cao giữa EU và các nước Tây Balkan, dự kiến diễn ra tháng 5-2020. Giới chức EU hy vọng rằng, đề xuất một hệ thống mới để kết nạp thêm thành viên mà EC vừa đưa ra có thể giúp dẹp bỏ những tranh cãi để có thêm các thành viên mới nhằm tăng sức mạnh cho “đại gia đình” EU ngay sau khi Anh rời khỏi khối này. Kể từ khi Croatia gia nhập khối vào năm 2013, EU đã không kết nạp thêm bất cứ quốc gia thành viên mới nào. Nguyên nhân là bởi những năm qua, EU luôn trong cảnh căng mình đối phó với khủng hoảng kép cả về kinh tế lẫn di cư.

Nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng, trong bối cảnh Brexit đã ngã ngũ và các cuộc khủng hoảng kinh tế, di cư đã lắng dịu, giờ là lúc “thiên thời địa lợi” để EU có thể mở rộng vòng tay với các quốc gia vùng Balkan có vị trí chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được đồng thuận của tất cả các thành viên EU, việc kết nạp thành viên mới có thể càng khoét sâu bất đồng làm suy yếu khối này. Bên cạnh đó, nếu không lựa chọn thành viên mới bằng các tiêu chuẩn khắt khe hơn, việc mở rộng thành viên của EU có thể sẽ là “lợi bất cập hại” làm gia tăng những “mắt xích yếu” trong khối liên kết kinh tế của EU.