Theo báo cáo của Hội đồng châu Âu (EC) hôm 29-6, các lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực sáu tháng, đến hết ngày 31-1-2021. Trước đó, quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đã được lãnh đạo EU phê chuẩn tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, diễn ra trong hai ngày 17 và 18-6 vừa qua. Lệnh trừng phạt kinh tế Nga áp đặt đối với 15 công ty lớn thuộc các lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và quốc phòng của Nga từ cuối tháng 7-2014, do Nga đồng ý sáp nhập Bán đảo Crimea.
Để đáp trả theo nguyên tắc đối ứng, Liên bang Nga cũng đã ra lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng từ các nước EU. Cuộc chiến cấm vận thương mại, trừng phạt kinh tế đã gây tổn thất không nhỏ đối với Nga cũng như các quốc gia thành viên EU.
Lệnh trừng phạt Nga lần đầu tiên được áp đặt tháng 7-2014, sau khi chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi khi bay qua không phận miền đông Ukraine. Từ đó, EU liên tục gia hạn các biện pháp trừng phạt cứ mỗi sáu tháng một lần cho tới nay.
EU cho rằng các hiệp định hòa bình Minsk vẫn chưa được tuân thủ, cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. EU thậm chí còn để ngỏ khả năng kéo dài vô thời hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế này, dù cái giá của nó đối với nền kinh tế nhiều nước thành viên EU là không nhỏ. Thậm chí, không ít quốc gia thuộc EU, trong đó có Pháp, đã thể hiện mong muốn giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế này, khi cho rằng biện pháp trừng phạt tỏ ra không hiệu quả.
Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không chỉ một lần đã lên tiếng kêu gọi EU thực hiện các bước đi nhằm giảm căng thẳng với Moscow, nhưng cho tới nay, Brussels vẫn khẳng định điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ EU - Nga là Thỏa thuận hòa bình Minsk, ký năm 2015, về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, phải được triển khai đầy đủ.