EU đối phó làn sóng người nhập cư

Cuộc khủng hoảng người nhập cư trái phép ngày càng trở nên trầm trọng, là bài toán nan giải đối với các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Kể từ đầu năm đến nay, hơn 100.000 người nhập cư trái phép đã tới châu Âu qua Địa Trung Hải hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc ngăn chặn nguy cơ hàng nghìn người tiếp tục bỏ mạng khi cố gắng vượt Địa Trung Hải, EU còn đang lúng túng trong việc tiếp nhận những người tị nạn đã đặt chân đến “miền đất hứa”.

Cảnh sát ngăn chặn dòng người di cư đổ về TP cảng Ca-le (Pháp) để tìm cách vào Anh. Ảnh AP
Cảnh sát ngăn chặn dòng người di cư đổ về TP cảng Ca-le (Pháp) để tìm cách vào Anh. Ảnh AP

Trước vấn nạn của cuộc khủng hoảng nhập cư, EU phải tiến hành riêng một hội nghị cấp cao thảo luận về vấn đề này hồi cuối tháng 6 vừa qua. Trong đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về kế hoạch tái bố trí 40.000 người nhập cư tại I-ta-li-a và Hy Lạp tới các nước EU khác trong hai năm tới, nhằm thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ gánh nặng với các nước tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nước EU vẫn chưa thể nhất trí về kế hoạch tái sắp xếp 40.000 người nhập cư kể trên. Trong đó, các nước thành viên EU vẫn bất đồng gay gắt về cách thức thực hiện. Trước hết là nhiều nước phản đối hạn ngạch bắt buộc và sau đó là tranh cãi về kế hoạch tái phân bổ những người nhập cư này.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề ra hạn ngạch tiếp nhận người di cư nói trên dựa vào GDP, dân số và tỷ lệ thất nghiệp của các quốc gia thành viên. Song, cho đến nay, một số chính phủ, kể cả của các quốc gia ở Đông và Trung Âu, vẫn phản đối đề xuất của EU thiết lập hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư. Những nước không muốn tiếp nhận người nhập cư gồm Hung-ga-ri, Áo, Xlô-va-ki-a, Xlô-vê-ni-a, các nước vùng Ban-tích và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, làn sóng người nhập cư tiếp tục là nỗi đau đầu đối với nhiều nước EU. Trong đó, Anh, một trong những nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất trong EU, đang là điểm đến hấp dẫn nhất cho những người đang tìm việc làm trong EU. Số người nước ngoài nhập cư vào Anh trong năm 2014 đã lên tới 318.000 người, mức cao nhất kể từ năm 2005.

Những ngày gần đây, làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang ồ ạt đổ về cảng Ca-le, miền bắc nước Pháp, điểm đến trước khi vào Anh bằng tuyến đường hầm Chan-nen qua eo biển Măng-sơ, nối liền Anh và Pháp. Lúc cao điểm có tới 2.000 người tìm cách trốn sang Anh chỉ trong một đêm. Kể từ tháng 6 tới nay, ở khu vực đường hầm xuyên biển này có ít nhất 10 người di cư chết, khi tìm cách trốn lên tàu hỏa hoặc xe tải để sang Anh. Hiện có khoảng 3.000 người di cư, chủ yếu đến từ các nước xung đột và đói nghèo, gồm Xy-ri, Ê-ri-tơ-ri-a, Xu-đăng, I-ran và I-rắc, đang tập trung tại thành phố cảng Ca-le của Pháp để tìm cách vào Anh qua đường hầm này.

Trước tình trạng nêu trên, Chính phủ Anh mới đây tiến hành cuộc họp khẩn cấp thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư. Tại cuộc họp, các quan chức Anh cam kết sẽ áp dụng những biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang ồ ạt đổ vào “xứ sở sương mù”. Theo đó, một dự luật nhập cư mới dự kiến sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận trong vài tháng tới. Các chủ cho thuê nhà tại Anh sẽ phải chấm dứt việc cho thuê đối với những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Ngoài ra, Anh cũng chi tiền để Pháp triển khai thêm 100 nhân viên bảo vệ biên giới tại các chốt đầu đường hầm bên Pháp, nâng tổng số nhân viên được triển khai tại đây lên 300 người. Cuộc khủng hoảng di cư đã tiêu tốn của nước Anh khoảng 700.000 bảng/ngày.

CH Séc cũng phải đưa ra nhiều biện pháp đối phó làn sóng người nhập cư trái phép. Dự báo, năm 2016 sẽ có khoảng 5.000 đến 7.000 người nhập cư bất hợp pháp đổ vào Séc, tăng gần gấp hai lần so với số người nhập cư trong năm nay. Chính phủ Séc đã quyết định chi bổ sung cho Bộ Nội vụ hơn 230 triệu cô-ru-na (hơn 9 triệu USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2015 và dự định chi 1 tỷ cô-ru-na (40 triệu USD) cho các hoạt động này trong năm 2016. Trước khả năng làn sóng người tị nạn tràn vào nước này gia tăng, Tổng thống Séc M.Dê-man đã để ngỏ khả năng huy động quân đội bảo vệ các đường biên giới.

Tại Hung-ga-ri, quân đội đã khởi công xây tường rào ở ngoại ô thị trấn Mô-ra-ha-lôm, miền nam nước này, nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn qua biên giới từ phía Xéc-bi-a. Tường rào cao 4 m, dài 175 km nói trên sẽ được xây dựng tại tám đến mười khu vực chịu sức ép lớn nhất từ làn sóng di cư. Chỉ riêng trong năm nay, có hơn 70.000 người di cư tràn vào lãnh thổ Hung-ga-ri và khoảng 80% trong số này đến từ các nước đang xảy ra chiến tranh như Xy-ri, I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

Lãnh đạo nhiều nước EU đang tiếp tục kêu gọi các nước trong khối này đoàn kết và phát huy tinh thần trách nhiệm, nhằm đối phó làn sóng người di cư ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người di cư ở EU khó có thể được hóa giải trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh các nước EU đến nay vẫn không nhất trí được về kế hoạch tiếp nhận 40.000 người nhập cư tại I-ta-li-a và Hy Lạp đã đề ra.