Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái những năm 1930. Trước cú sốc kinh tế đó, chính phủ các nước EU đã buộc phải bơm các gói cứu trợ khổng lồ để chống dịch, cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, bảo đảm tiền lương cho người lao động và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những “liều thuốc” này lại kéo theo tác dụng phụ khi gia tăng gánh nặng nợ nần của các nước.
Nợ công tại các nước EU đang ở mức cao kỷ lục. Tại các nước Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a mức nợ công hiện đã vượt ngưỡng 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hy Lạp hiện là quốc gia thành viên EU có gánh nặng nợ nghiêm trọng nhất, lên đến khoảng 200% GDP. Tại I-ta-li-a, Cơ quan thống kê quốc gia I-ta-li-a (Istat) cho biết, năm 2020, tổng nợ của nước này đã tăng lên mức 155,6% GDP. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Lơ Me mới đây dự báo, nợ công của Pháp trong năm 2021 có thể chạm mốc 118% GDP.
Ủy viên phụ trách kinh tế của EU P.Gien-ti-lô-ni nhận định, hiện vấn đề nợ công của các nước EU chưa trở thành mối đe dọa lớn, nhờ mức lãi suất thấp và các biện pháp hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Thời gian qua, ECB đã đẩy mạnh việc mua trái phiếu để giữ cho lãi suất không tăng và duy trì điều kiện tài chính thuận lợi giúp con tàu kinh tế khu vực chống chọi với cơn bão Covid-19. Tại cuộc họp mới đây, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cũng khẳng định chủ trương không siết chặt chi tiêu để bảo vệ đà phục hồi kinh tế. Các bộ trưởng lo ngại, việc giảm chi tiêu quá sớm có thể kiềm chế khả năng phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi “sức khỏe” của nền kinh tế cải thiện, đà phục hồi được bảo đảm, các nước thành viên EU cần xử lý vấn đề nợ công tăng cao. Theo Ủy viên phụ trách kinh tế của EU P.Gien-ti-lô-ni, trong trung hạn, bài toán nợ công cần được giải quyết, bởi đây có thể trở thành “gót chân A-sin” của nền kinh tế EU. Nếu quả bom nợ không sớm được tháo ngòi, nền kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, trong dài hạn, vấn đề nợ công tăng cao có thể thử thách tình đoàn kết của các nước thành viên. Trong bối cảnh hiện nay, các nước EU đều dồn lực để chống dịch và khôi phục nền kinh tế. Từ tháng 3 năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đặt nền kinh tế của khối trước quá nhiều thách thức, EU đã đình chỉ tạm thời quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách đối với các quốc gia thành viên. Bước đi này cho phép các nước EU tự do chi tiêu để giải cứu nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp, mà không phải tuân theo quy định giữ thâm hụt ngân sách hằng năm ở mức dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, khi đà phục hồi kinh tế được bảo đảm, vấn đề kỷ luật ngân sách có thể tiếp tục “nóng” trở lại, dẫn đến những bất đồng giữa các nước chủ trương tiết kiệm chi tiêu công và những nước yêu cầu kéo dài sự hỗ trợ của khối.
Trong báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nhờ những phản ứng chính sách chưa từng có tiền lệ của các nước, cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên có khả năng sẽ để lại những hậu quả nhẹ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến với dịch bệnh thành công, giới chức EU cần đề ra kế hoạch dài hạn để giải quyết bài toán nợ công, nhằm bảo đảm sự phục hồi bền vững của nền kinh tế.