EU cho phép các quốc gia thành viên tăng viện trợ nhà nước cho các dự án xanh

NDO -

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ được phép rót thêm tiền vào các dự án xanh trong lĩnh vực khí hậu, năng lượng và môi trường, tuy nhiên viện trợ nhà nước đối với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sẽ đối diện với nhiều rào cản.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager. (Ảnh: Reuters)
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố luật cạnh tranh EU (phiên bản cập nhật) nhằm giúp các nước thành viên EU đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Theo lộ trình đã đề ra, EU sẽ cắt giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990 và tiến tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa tham vọng trên đòi hỏi phải có các khoản đầu tư carbon thấp khổng lồ, bao gồm việc đầu tư thêm 350 tỷ euro (tương đương 395 tỷ USD) mỗi năm vào lĩnh vực năng lượng trong thập kỷ này.

Giám đốc cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết: “Mặc dù một phần đáng kể sẽ đến từ khu vực tư nhân, tuy nhiên sự hỗ trợ của khu vực công sẽ giúp bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh chóng”.

Luật cạnh tranh mới của EU mở rộng phạm vi lĩnh vực mà các quốc gia thành viên có thể cung cấp hỗ trợ, bao gồm giao thông sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà.

EU cho phép các quốc gia thành viên tăng viện trợ nhà nước cho các dự án xanh -0
 Dự án điện gió ở Graincourt-les-Havrincourt, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, viện trợ nhà nước có thể bù đắp tới 100% khoản tài chính thiếu hụt cho các dự án xanh, thông qua các hợp đồng chênh lệch carbon - bảo đảm một giá carbon cho một nhà phát triển dự án bất chấp giá trên thị trường carbon của EU.

Ủy ban châu Âu cũng cho biết hỗ trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch như than và dầu khí nhiều khả năng sẽ không được phê duyệt, trong khi các khoản đầu tư mới vào khí đốt tự nhiên phải phù hợp với các mục tiêu khí hậu của EU.

Tuy nhiên, các quốc gia có thể sử dụng viện trợ nhà nước để đóng cửa các nhà máy than đá, than bùn và đá phiến dầu nhanh hơn mức mà các lực lượng thị trường có thể làm, cũng như đầu tư vào các hoạt động sản xuất ít phát thải hơn.

Các nước nghèo hơn trong khối sẽ được áp dụng các quy định nới lỏng hơn trong lĩnh vực này cho đến cuối năm 2023 - một hạn chót nhằm khuyến khích họ nhanh chóng giảm phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Ngoài ra, viện trợ nhà nước cũng có thể dùng để trang trải các chi phí phát sinh từ việc đóng cửa các nhà máy nhiên liệu hóa thạch không có khả năng cạnh tranh, chẳng hạn như trợ cấp phúc lợi cho người lao động bị mất việc làm.