EU chính thức rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua quyết định rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) tại cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng diễn ra hôm nay ở Brussels. Quyết định này đánh dấu bước ngoặt sau nhiều năm thảo luận, tiếp nối sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu hồi tháng 4/2024.
0:00 / 0:00
0:00

Hiệp ước Hiến chương Năng lượng, có hiệu lực từ năm 1998, là một thỏa thuận đa phương nhằm bảo vệ đầu tư và thương mại trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, hiệp ước này ngày càng bị cho là không phù hợp với các mục tiêu khí hậu của EU, đặc biệt là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Do đó, quá trình hiện đại hóa hiệp ước đã được khởi động từ năm 2018.

EU rút khỏi ECT là một động thái mạnh mẽ nhằm thể hiện quyết tâm của khối trong việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Quyết định này có hiệu lực một năm sau khi thông báo được gửi đến bên lưu chi Hiệp ước.

Các quốc gia thành viên EU muốn duy trì tư cách thành viên sau khi EU chính thức rời khỏi Hiệp ước vẫn có thể tham gia bỏ phiếu tại Hội nghị Hiến chương Năng lượng sắp tới (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024) để thông qua việc áp dụng Hiệp ước được hiện đại hóa.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, bà Tinne Van der Straeten, đánh giá quyết định này là một cột mốc quan trọng trong lộ trình của Bỉ đối với Hiến chương Năng lượng. Bà cho biết, Bỉ đã nỗ lực không ngừng để phá vỡ thế bế tắc phức tạp này và tìm ra sự cân bằng có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất rút khỏi ECT từ tháng 7/2023 do lo ngại hiệp ước này không còn phù hợp với mục tiêu khí hậu của EU theo Thỏa thuận Xanh và Thỏa thuận Paris, chủ yếu liên quan đến các khoản đầu tư nhiên liệu hóa thạch.

Việc EU rút khỏi ECT được xem là một bước đi quan trọng để hiện đại hóa Hiệp ước Hiến chương Năng lượng, phù hợp hơn với các mục tiêu năng lượng bền vững trong tương lai.