Việc tuyển chọn diễn viên, nhạc công cho phần II đã hoàn tất và tác phẩm chính thức được bàn giao cho Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Công việc dàn dựng sẽ được tiến hành trong năm tháng (từ tháng 7 đến tháng 12–2005), dự kiến công diễn tại Nhà hát Thành phố Paris vào cuối tháng 12–2005.
Gợi mở một cách nhìn khác hơn
Biên đạo múa Ea Sola cho biết: “Dựng lại Hạn hán và cơn mưa, cùng chủ đề, cùng cách thức nhưng lần này tôi muốn gợi mở một cách nhìn khác hơn, thời sự hơn và cũng rộng lớn hơn, đó là cái nhìn của thế hệ thanh niên trong thế giới hiện tại. Một thế hệ thanh niên sống trong những nền văn hóa song hành: văn hóa của đất nước – văn hóa nơi họ đang sống và văn hóa mà họ tiếp nhận nơi họ đang đến, tức là văn hóa của thiên niên kỷ thứ ba.
Tôi muốn đi vào những mối bận tâm của họ và sẽ để họ nói về những trách nhiệm của họ trong thế giới hiện tại, chia sẻ với họ những điều họ sống. Tôi tin tưởng vào lớp trẻ. Tôi nghĩ đến những diễn viên trẻ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, những diễn viên mà tôi chứng kiến họ lớn lên và tôi đã làm việc cùng với họ trong một số dự án khác tại Việt Nam”.
16 nghệ sĩ múa là những người có tên tuổi, thể hiện hình ảnh 16 người vô danh. Hai ca sĩ của Nhà hát Chèo, một trong vai cơn mưa và một trong vai mặt trời. Bốn nhạc công và một nhạc sĩ phối khí, họ đều trẻ tuổi đã được chọn.
Ea Sola nói: “Khi chuyển Hạn hán và cơn mưa cho những diễn viên múa trẻ này, tôi mong muốn mở ra cho họ chủ đề hồi ức chiến tranh trong một thế giới thuộc về họ. Tôi xúc động thật sự khi họ sẽ trực tiếp nói về thông điệp này, như một ký ức vẫn còn tác dụng, để nói tiếp những điều mà các cụ bà, những người đã đi qua chiến tranh đã nói trong Hạn hán và cơn mưa 10 năm trước. Hôm nay, nói không với chiến tranh là nói không với các thế lực áp đặt sự đau đớn, thứ đau đớn tàn phá mãi mãi thân thể và trí óc của bất kỳ ai. Họ, những người trẻ tuổi – những người mang dấu ấn những gì cha mẹ mình đã trải, hòa bình thuộc về họ, họ phải nói về hòa bình cũng là để nói không với chiến tranh. Họ nói về những gì họ đang sống, đang đi, đang nghĩ, đang phát triển.
Tiếp tục khám phá nghệ thuật múa, âm nhạc Việt Nam
Ea Sola và NSND Nguyễn Công Nhạc |
Cách làm của Ea Sola lần này là, các diễn viên của Hạn hán và cơn mưa 10 năm trước sẽ truyền lại những chuyển động và động tác biên đạo cho các diễn viên mới. Vì thế, cách xử lý sẽ là đặt lời nói của diễn viên, sự tồn tại của họ lên hàng đầu; đưa âm nhạc truyền thống về cách dàn bè vốn có của nó; ánh sáng sẽ liên tục thay đổi và phần phối khí sẽ linh hoạt trong chất truyền thống, hiện đại, những âm thanh ngày thường và những âm thanh ghê rợn của chiến tranh. Cách bài trí sân khấu, trong ánh sắc màu, phần đầu là những tượng nhỏ đen – trắng, những nhân vật của lịch sử Việt Nam, tự nhiên, vĩ đại – đứng giữa những nhân vật trong thế giới hiện đại như Gandhi, Nelson Mandela, Martin Luther King, Mẹ Teresa, linh mục Pierre... Phần cuối, chân dung những người vô danh đã chết trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam sẽ như cũ, với số lượng 50 người cùng với những con người vô danh trong các cuộc chiến gần đây trên thế giới. Mặt đất lần này so với lần diễn trước không phải phủ chiếu mà sẽ rải thảm.
Ea Sola nói: Tôi thể hiện những điều này 10 năm sau vở diễn phần I ra đời, cũng là để thực hiện tiếp những điều của một công cuộc tìm hiểu, khám phá về nghệ thuật múa, âm nhạc của đất nước và lịch sử Việt Nam.
NSND Nguyễn Công Nhạc, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, cho biết: Phần I, Ea Sola chưa hợp tác với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nhưng tôi đánh giá cao về chị ấy. Tôi đi dự Hội thảo Múa Á – Âu ở Singapore, hội thảo nhắc đến Ea Sola nhiều nhất, ghi nhận như một tài năng sáng tạo độc đáo của Việt Nam. Múa đương đại ở nước ta chưa phát triển, mặc dù chúng tôi đã cử diễn viên đi học ở các nước, họ nắm bắt rất nhanh và biểu diễn cũng chẳng kém gì các nước khác về tư duy sáng tạo lẫn động tác múa. Tôi nghĩ đã đến lúc lớp trẻ phải có ngôn ngữ múa của thế hệ mình.