Dù kê là một loại hình ca kịch của dân tộc Khmer, cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại, diễn xuất, trang phục, ánh sáng, phông màn... phục vụ nhu cầu giải trí của đồng bào Khmer vào các dịp lễ hội. Sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ được xem là kết quả của sự giao thoa giữa sân khấu rô băm của người Khmer, sân khấu cải lương của người Kinh và hý kịch của người Hoa. Vở diễn thể hiện các tuồng tích cổ hoặc kịch bản hiện đại, nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, ca ngợi cái tốt, lên án cái xấu, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Nhờ vậy, dù kê được đồng bào Khmer nhiệt tình đón nhận trong suốt gần một thế kỷ qua.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Lâm Vĩnh Phương cho biết: Hiện, tỉnh Sóc Trăng chỉ có một đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp và ba đoàn dù kê dân lập của các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành. Các đoàn đã đi biểu diễn liên tục nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ niềm đam mê xem hát dù kê của đồng bào Khmer... Sân khấu dù kê không chỉ có ở Sóc Trăng mà đã phát triển rộng ra các tỉnh có đông đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thường mỗi khi có lễ hội là có sự góp mặt của các đoàn dù kê, tạo thêm sinh khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào Khmer. Ông Lý Ộl, dân tộc Khmer ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết, cứ nghe tin có biểu diễn hát dù kê là bà con Khmer đổ xô đi xem. Trước đây, mỗi chùa Khmer đều có gánh hát dù kê "cây nhà lá vườn", vì diễn viên là những nông dân "chân lấm tay bùn", ngày ngày ra đồng nhổ cỏ, gánh phân, be bờ, tát nước, tối về hả hê hóa trang thành những ông hoàng, bà chúa say sưa diễn trên sân khấu giúp vui cho mọi người. Về sau, do những lo toan bộn bề của cuộc sống, nhiều gánh hát "dù kê nông dân" đã rã gánh.
Những năm gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí may trang phục biểu diễn, mua nhạc cụ dân tộc, xây dựng kịch bản... cho các đoàn dù kê. Sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ đã được đưa vào danh mục công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Để bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này, thời gian tới, các đoàn dù kê Khmer Nam Bộ cần được tạo điều kiện biểu diễn, giao lưu học hỏi nhiều hơn; tiếp tục hỗ trợ các đoàn dù kê, các nghệ sĩ, nghệ nhân trong hoạt động sân khấu và đời sống; cho ra đời nhiều kịch bản mới, hay, gần gũi hơn với đời sống của người dân...