Đứt chuỗi tăng, giá nhiều hàng hóa nguyên liệu lao dốc

NDO - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa thế giới vừa đóng cửa tuần giao dịch biến động rất mạnh. 19 trên tổng số 31 mặt hàng sụt giảm, trong đó, nhiều mặt hàng đồng loạt lao dốc kéo chỉ số MXV-Index chốt tuần (29/4-3/5) giảm sâu 2,95% xuống 2.265 điểm. Tuy nhiên, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn được duy trì ổn định. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 5.700 tỷ đồng mỗi ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Đứt chuỗi tăng, giá nhiều hàng hóa nguyên liệu lao dốc

Dầu thô ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất từ đầu năm

Kết thúc tuần giao dịch 29/4-3/5, giá dầu ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 1 do sức ép vĩ mô và một số tín hiệu cải thiện về nguồn cung. Trong đó, dầu WTI ghi nhận chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 6,85% xuống 78,11 USD/thùng. Dầu Brent giảm 5,95% xuống 82,96 USD/tuần.

Phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị do xung đột giữa Israel-Hamas trong tuần trước có xu hướng giảm dần. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ được hạn chế, kéo giá dầu giảm ngay từ những phiên đầu tuần.

Đứt chuỗi tăng, giá nhiều hàng hóa nguyên liệu lao dốc ảnh 1

Về yếu tố cung cầu, tín hiệu cải thiện trong sản lượng của một số nước sản xuất lớn đã làm gia tăng áp lực lên giá dầu.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô tại các mỏ khai thác của Mỹ đã tăng 578.000 thùng/ngày trong tháng 2 lên 13,15 triệu thùng/ngày, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2021.

EIA cũng cho thấy thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh hơn 7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/4. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng nhẹ 344.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm. Điều này cho thấy sự dồi dào tương đối của nguồn cung tại Mỹ so với nhu cầu, làm gia tăng sức ép đến giá dầu.

Ngoài ra, theo khảo sát của Bloomberg, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã bơm 26,81 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chỉ ít hơn khoảng 50.000 thùng/ngày so với tháng trước. Bất chấp tuyên bố hạn chế nguồn cung, Iraq và UAE vẫn sản xuất trên mức hạn ngạch. Mức độ giảm sản lượng vẫn chưa bảo đảm cam kết đặt ra, góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Sức ép đối với giá dầu trong tuần qua còn đến từ yếu tố vĩ mô khi dữ liệu công bố hôm thứ 6 cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm hơn dự kiến ​​trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại mốc 3,9% hồi tháng 2. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại đã ảnh hưởng tới việc đánh giá triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trong tương lai.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt trên 11% do nguồn cung Mỹ suy giảm và tiêu thụ cải thiện. Nhu cầu khí chảy đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã tăng lên trong bối cảnh nhà máy của Freeport LNG ở Texas hoạt động trở lại.

Giá ca-cao, cà-phê đồng loạt lao dốc

Giá ca-cao dẫn dắt xu hướng toàn thị trường khi chốt tuần lao dốc 23,12%, về lại mức thấp nhất trong hơn 1 tháng. Giá giảm chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý vị thế mua của các quỹ. Bên cạnh đó, giá ca-cao quá cao đang khiến một số công ty thương mại và nhà máy sản xuất sô-cô-la hoãn việc mua ca-cao vụ mới. Nhu cầu đi xuống tạo thêm sức ép lên giá. Ngoài ra, tại Nigeria, quốc gia sản xuất ca-cao lớn thứ năm thế giới, xuất khẩu ca-cao trong tháng 3 tăng 19% so cùng kỳ, lên 22.199 tấn.

Dù vậy thông tin cơ bản trên thị trường chủ yếu vẫn duy trì những hỗ trợ nhất định với giá, đặc biệt là phiên cuối tuần. Ủy ban Ca-cao Ghana đang đàm phán với các thương nhân ca-cao để hoãn giao ít nhất 150.000 đến 250.000 tấn ca-cao cho đến mùa vụ tới do thiếu hụt nguồn cung.

Tại Bờ Biển Ngà, tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 10/2023) đến ngày 28/4/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của quốc gia này chỉ ở mức 1,35 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước.

Đứt chuỗi tăng, giá nhiều hàng hóa nguyên liệu lao dốc ảnh 2

Theo sau ca-cao, giá cà-phê thế giới cũng ghi nhận sụt giảm rất mạnh trong tuần vừa qua. Cụ thể, giá Arabica giảm 10,38%, về mức thấp nhất 1 tháng. Tín hiệu xuất khẩu tích cực tại các quốc gia sản xuất chính làm gia tăng sức ép lên giá. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, xuất khẩu cà-phê từ Brazil tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 4. Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà-phê Brazil (CECAFE), tính đến 30/4, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi khoảng 4,6 triệu bao cà-phê, với 3,5 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 27% so cùng kỳ tháng trước.

Tại Honduras, xuất khẩu cà-phê đạt 762.231 bao, đã tăng 2,3% trong tháng 4 so cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, xuất khẩu cà-phê của Costa Rica trong tháng 4 đạt 138.323 bao, đã tăng 18% so một năm trước.

Bên cạnh đó, sự cải thiện của tồn kho cũng góp phần gây sức ép lên giá. Tính đến hết phiên 3/5, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US ở mức 689.178 bao, tăng 32.521 bao so tuần trước và lên mức cao nhất trong 1 năm.

Giá Robusta thậm chí lao dốc 14,7% đứt chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp. Mưa xuất hiện tại vùng sản xuất chính của Việt Nam giúp hạ nền nhiệt chung và giải tỏa áp lực thiếu nước tại các vườn cà phê đang trong giai đoạn phát triển cho vụ mùa 2024-2025. Cùng với đó hoạt động thu hoạch cà-phê tại Brazil đưa đến kỳ vọng nguồn cung thị trường được bổ sung.

Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil dự báo sản lượng vụ mới đạt 17,33 triệu bao, tăng 7,2% so với vụ 2023-2024. Điều kiện thời tiết thuận lợi tại vùng sản xuất chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thu hoạch cà-phê, tạo động lực giúp nông dân đẩy mạnh bán hàng và duy trì lượng xuất khẩu kỷ lục thời gian qua.

Trên thị trường nội địa, giá thu mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ rơi mạnh về mức 100.000 đồng/kg, giảm đến 34.000 đồng/kg chỉ trong vòng 1 tuần.