Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm:

Dừng tuyển sinh các cơ sở đào tạo giáo viên không đạt chuẩn

NDO -

NDĐT- Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Hải An vừa ký văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm. Theo đó, hàng loạt các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải thay đổi, sắp xếp, cơ cấu lại trong thời gian tới.

Dừng tuyển sinh các cơ sở đào tạo giáo viên không đạt chuẩn

Dự báo tuyển 1,76 triệu giáo viên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả nước hiện nay có 113 cơ sở đào tạo giáo viên (trường sư phạm) gồm: 14 trường đại học sư phạm, 48 trường đại hoc đa ngành có đào tạo sư phạm, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm và hai trường trung cấp sư phạm. Tuy nhiên, mạng lưới các trường sư phạm hiện nay tồn tại hàng loạt các yếu kém, đào tạo chồng chéo, không hiệu quả, chạy theo số lượng ít chú ý đến chất lượng. Dự báo từ năm 2019 đến năm 2022 nhu cầu tuyển dụng gần 1,76 triệu giáo viên gồm: 499 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 1,16 triệu giáo viên THCS và hơn 99,9 nghìn giáo viên THPT.

Vì vậy, trong sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm giai đoạn từ nay đến năm 2025 theo hướng thu hẹp chức năng, nhiệm vụ của một số cơ sở đào tạo giáo viên, đặc biệt là các cơ sở đào tạo trình độ đại học chưa đạt chuẩn, các trường cao đẳng và trung cấp sư phạm; dừng giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm đối với các trường trung cấp khác. Đáng chú ý, trong thời gian trên, các cơ sở đào tạo giáo viên không đạt chuẩn chất lượng theo Bộ chuẩn trường sư phạm sau thời gian cam kết ba năm sẽ bị dừng tuyển sinh và thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2025 sẽ hình thành hai trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo giáo viên để chuyển đổi thành phân hiệu của các trường sư phạm trọng điểm quốc gia, cơ sở bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương. Từ 2026-2030 sẽ thành lập thêm một trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở miền trung. Ít nhất có một trường sư phạm trọng điểm quốc gia lọt tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới hoặc lọt tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á lĩnh vực giáo dục…

Các trường sư phạm thực hiện tự chủ

Để thực hiện được các mục tiêu trong sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng bộ chuẩn trường sư phạm, chương trình đào tạo giáo viên và ban hành hướng dẫn đánh giá theo bộ chuẩn. Triển khai rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện quy định và chính sách hỗ trợ các trường sư phạm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở dự báo nhu cầu của các địa phương sẽ thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp cho các cớ ở đào tạo giáo viên.

Đáng chú ý, để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo giáo viên. Phát triển các trung tâm bảo đảm chất lượng của các trường sư phạm; thành lập hiệp hội nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với chức năng tư vấn, hỗ trợ xây dựng cơ chế, chính sách trong đào tạo giáo viên. Các cơ sở đào tạo giáo viên được đầu tư, hỗ trợ trong đào tạo đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước đạt trình độ tiến sĩ, ưu tiên cử giảng viên của các cớ ở đào tạo giáo viên đi đào tạo tiến sĩ chuyên ngành về khoc học giáo dục ở nước ngoài…

Mặc dù các mục tiêu và giải pháp đưa ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nhất là trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2020-2021, tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn về việc các mục tiêu, giải pháp đưa ra cần rõ ràng. Nhất là mô hình trường sư phạm trọng điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trong đó có các trường vệ tinh khác gì so với hoạt động của đại học quốc gia, đại học vùng.

Mặt khác, theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, dàn trải, phân tán nhỏ lẻ, nhiều trường hoạt động èo uột, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo cần phải giải thể, hợp nhất để hoạt động hiệu quả. Nhưng trong dự thảo sắp xếp tổ chức lại vẫn còn chung chung, không rõ ràng có thể dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo giáo viên không giảm, khi đầu tư dẫn đến lãng phí, không cần thiết. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…