Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Theo tiêu chuẩn quy định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm được coi là sữa tươi phải có từ 90-100% sữa tươi nguyên chất. Mỗi sản phẩm sữa tươi trước khi được bán rộng rãi ra thị trường phải được công bố chất lượng, cơ quan quản lý sẽ căn cứ, xem xét các tiêu chuẩn của cơ sở đã công bố có bảo đảm yêu cầu mới cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều sản phẩm khi công bố có đủ các quy định là sữa tươi nhưng khi sản xuất đưa ra thị trường, chất lượng không phải như vậy. Mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc một số cơ sở dùng sữa bột hoàn nguyên để pha chế thành sữa tươi bán ra thị trường. Việc các cơ sở cho ra các sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn đã công bố là hành vi gian lận thương mại cần phải được xử lý.
- Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xử lý như thế nào với vi phạm này?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường thành lập đoàn thanh kiểm tra một số cơ sở sản xuất sữa. Nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi gian lận thương mại sẽ xử lý nghiêm.
- Trên thực tế hiện nay, tại các nông trường chăn nuôi bò sữa có tình trạng ế ẩm, trong khi đó các công ty sữa đang đưa ra thị trường sản lượng sữa tươi rất lớn. Như vậy, có cơ sở để nói rằng, các công ty sữa đã dùng sữa bột để pha chế thành sữa tươi?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Rất có thể các công ty sữa đang có hành vi gian dối, chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ thông qua việc kiểm tra các số liệu về nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các công ty sữa.
- Như vậy, có phải là việc hậu kiểm các công ty sữa hiện nay chưa được chặt chẽ?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Đúng là việc hậu kiểm rất quan trọng, vì khi công bố các sản phẩm đều rất nghiêm chỉnh nhưng khi sản xuất mới có gian dối. Song việc thanh - kiểm tra hiện nay vẫn chưa được thường xuyên.
- Ông có thấy việc quảng cáo sữa hiện nay cũng có nhiều vấn đề?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Đây cũng là vấn đề khó khăn. Nhiều cơ sở quảng cáo sữa bổ sung vi chất, vitamin.... thường không được cơ quan chuyên môn thẩm định kiểm tra hoặc quảng cáo quá mức không đúng với tiêu chuẩn đã công bố thông qua các tờ rơi phát đến các bệnh viện, trường mẫu giáo... Sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi cấm không được quảng cáo, khuyến mãi dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng vẫn có hãng sữa tổ chức khuyến mãi mua 2 tặng 1...
- Theo ông, cần có giải pháp nào cho việc quản lý các sản phẩm sữa?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Cần tăng cường công tác hậu kiểm, phát hiện gian lận, xử lý nghiêm và thông báo trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người tiêu dùng tẩy chay. Tăng cường lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng sau công bố bằng các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất. Người dân khi phát hiện các hành vi gian lận của các cơ sở cần báo cho cơ quan y tế và quản lý thị trường để sớm xử lý.
Xin cảm ơn ông!