Đừng lấy bia giải rượu

Sau việc các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Quảng Trị truyền 15 lon bia có ethanol để giải độc methanol thành công cho một người bệnh, không biết vô tình hay cố ý, nó đã trở thành cái phao cho các “bợm nhậu”.

Nhiều người hồn nhiên cho rằng, cứ uống rượu cho say vì đã có bia để giải. Tưởng là chuyện vui nhưng điều này đi quá giới hạn, buộc các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực chống độc lên tiếng giải thích rõ.

Methanol là cồn công nghiệp, được sử dụng nhiều trong sản xuất sơn, thuộc da… bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Khi methanol vào cơ thể chuyển hóa thành chất độc gây độc cho hệ thần kinh, gây tổn thương não, võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và chết người. Thực tế đã có khá nhiều ca ngộ độc methanol do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (rượu giả) mà mất mạng.

Hoan nghênh sáng kiến của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Trị vì tính được liều lượng an toàn để cứu người ngộ độc methanol, nhưng các chuyên gia đều nhấn mạnh, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ, không phải là giải pháp chính. Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Biện pháp hỗ trợ nêu trên chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa methanol thành các độc chất gây hại cho người bệnh. Do vậy, việc truyền bia có ethanol phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn, chỉ định của bác sĩ.

Có hai trường hợp ngộ độc, đó là ngộ độc ethanol (rượu, bia) nếu người uống sử dụng nhiều, gây ảnh hưởng tới cơ thể và ngộ độc methanol có trong rượu giả, không rõ nguồn gốc. Nhưng chỉ trong trường hợp ngộ độc methanol mới dùng chất hỗ trợ ethanol. Do vậy, việc một số người dân cho rằng, uống rượu say rồi lấy bia để giải độc sẽ rất nguy hiểm. Dù uống rượu hay bia đều quy về đơn vị cồn gây hại cho cơ thể.

Các chuyên gia cũng lưu ý, thuốc ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải). Phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.