Đức tiếp tục dẫn đầu số ca mắc mới Covid-19

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 11/2, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 2,4 triệu ca mắc và gần 11.000 ca tử vong do Covid-19. Đáng chú ý, Đức tiếp tục vượt Nga và Mỹ, dẫn đầu số ca mắc mới tính theo ngày với 247.128 ca.

Áp phích có nội dung "Bạn có thể được nhận vaccine ngừa Covid-19 của chúng tôi" được đặt tại hiệu thuốc Europa Apotheke ở Đức, ngày 7/2. (Ảnh: Reuters)
Áp phích có nội dung "Bạn có thể được nhận vaccine ngừa Covid-19 của chúng tôi" được đặt tại hiệu thuốc Europa Apotheke ở Đức, ngày 7/2. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo Viện Robert Koch của Đức, số ca mắc Covivd-19 tính theo ngày tại nước này đang tăng chậm, cho thấy tín hiệu làn sóng dịch thứ tư có thể sẽ sớm kết thúc.

Theo Reuters, tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đức dự báo làn sóng Covid-19 sẽ lập đỉnh vào khoảng giữa tháng 2. Khi số ca bệnh ổn định, nước này có thể bắt đầu thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trên toàn quốc. Trên thực tế, một số bang của Đức đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế do không còn quá lo lắng về sức ép biến thể Omicron có thể gây ra cho hệ thống y tế. 

Ngày 10/2, Tổng Giám đốc Cơ quan Dược phẩm Italia (AIFA) Nicola Magrini khẳng định “sẽ không có liều thứ 4, mà hướng tới tiêm nhắc lại hằng năm vaccine ngừa Covid-19”.

Theo TTXVN, trả lời kênh tin tức Rai Tre về tính hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19, Tổng Giám đốc AIFA khẳng định: “Hiệu quả của vaccine tốt hơn mong đợi, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả đến 95% và đã được xác nhận tính thực tế trong quý I”.

Ông Magrini cũng cho biết thêm rằng vaccine Novavax sắp ra mắt vào ngày 24/2. Đây là vaccine protein, giống như vaccine cúm mùa. Đó sẽ là một liều thuốc bổ sung nhỏ cho các loại vaccine dựa trên công nghệ mRNA khác. Tuy nhiên, ông Magrini nêu rõ: “Trong mọi trường hợp, những ai đã tiêm vaccine mRNA vẫn chứng minh được hiệu quả tốt của vaccine và không có nghi ngờ về sự ảnh hưởng đến di truyền”.  

Theo lộ trình đến ngày 31/3, thời hạn áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Italia sẽ kết thúc, đồng nghĩa với các hạn chế sẽ được gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ. Cho dù Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza đã ký sắc lệnh về việc chấm dứt nghĩa vụ đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 11/2, nhưng người dân vẫn phải mang theo khẩu trang và sử dụng tại những nơi đông người cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky cho rằng, dù số ca mắc Covid-19 tại nước này đang giảm, song vẫn còn quá sớm để tất cả người dân "xứ cờ hoa" bỏ khẩu trang tại các không gian cộng đồng khép kín.

"Số ca nhập viện vẫn cao, tỷ lệ tử vong cũng vậy", bà Walensky cho biết trong cuộc họp báo của nhóm ứng phó Covid-19 của Nhà trắng ngày 9/2.

Theo báo New York Times, cuối tuần này New York có kế hoạch sa thải khoảng 3.000 nhân viên của thành phố - những người không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh New York chuẩn bị dỡ bỏ nhiều biện pháp ngăn ngừa Covid-19 như nhiều bang và thành phố của nước Mỹ vừa thực hiện. 

Tuy nhiên, người lao động vẫn có thời gian đến ngày 11/2 để thay đổi quyết định. Đến nay, khoảng 3.000 nhân viên của thành phố New York chưa có bằng chứng xác nhận đã tiêm chủng. 

Tháng 12/2021, ông Bill de Blasio, người tiền nhiệm của Thị trưởng New York Eric Adams, đã yêu cầu tất cả người lao động trong khu vực công và tư nhân của thành phố này phải tiêm vaccine ngừa Covid-19. Sa thải người lao động không thực hiện yêu cầu nêu trên là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất tại Mỹ để kiểm soát đại dịch.

"Chúng ta phải thật rõ ràng: tất cả nhân viên của thành phố New York đều phải tiêm chủng", ông Adams khẳng định. Đầu tuần này, nhiều nhân viên của thành phố New York đã biểu tình phản đối quy định bắt buộc tiêm ngừa Covid-19.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới