Đức khởi động kế hoạch đối phó mực nước thấp

Cũng như hàng loạt quốc gia khác ở châu Âu, Đức phải chật vật đương đầu với các hình thái thời tiết cực đoan, sau khi vừa trải qua một mùa hè nắng nóng bất thường kéo theo hạn hán nghiêm trọng. Mới đây, Đức đã khởi động kế hoạch hành động đối phó mực nước thấp, nhằm chủ động thích ứng tình trạng hạn hán trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu bị mắc cạn do mực nước sông Rhine của Đức xuống thấp. (Ảnh REUTERS)
Tàu bị mắc cạn do mực nước sông Rhine của Đức xuống thấp. (Ảnh REUTERS)

Bộ Kỹ thuật số và Giao thông vận tải của Đức thông báo sẽ khởi động Kế hoạch hành động đối phó mực nước thấp, sau khi mực nước trên sông Rhine xuống mức thấp kỷ lục do hạn hán trong mùa hè vừa qua. Bộ trưởng Kỹ thuật số và Giao thông vận tải Volker Wissing nêu rõ thực tế rằng, trong tương lai, nước Đức sẽ phải liên tục điều chỉnh chính sách để đối phó tình trạng mực nước xuống thấp do biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, để giải quyết tình hình tắc nghẽn trên sông Rhine, vốn là tuyến đường thủy bận rộn bậc nhất châu Âu, Đức sẽ tăng số lượng tàu có thể thích nghi với mực nước thấp. Ngoài ra, các đoạn sông rộng sẽ trở thành khu vực thí điểm để tối ưu hóa việc điều hướng khi mực nước xuống thấp.

Đợt hạn hán kỷ lục mới đây tại châu Âu đã khiến mực nước ở các sông, hồ xuống thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến vận tải đường sông của Đức nói riêng cũng như châu Âu nói chung. Tình trạng khô hạn nghiêm trọng kéo dài khiến các phương tiện giao thông đường thủy bị ùn tắc dọc sông Rhine của Đức. Trên thực tế, nền kinh tế Đức rất nhạy cảm với bất kỳ sự gián đoạn nào trên sông Rhine.

Theo chủ doanh nghiệp vận tải thủy DTG của Đức, mực nước sông Rhine xuống thấp bất thường khiến lượng hàng hóa chuyên chở bị hạn chế nhiều. Theo đó, để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa, phải dùng từ ba đến bốn tàu thay vì chỉ cần một chiếc như trước đây. Ở đoạn Kaub, nơi sông Rhine chảy hẹp và nông, mực nước có lúc giảm xuống dưới 40cm, khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đây trở nên ách tắc. Tại Đức, khoảng 4% số hàng hóa được vận chuyển qua đường thủy.

Việc đề ra chiến lược ứng phó hạn hán do biến đổi khí hậu càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng diễn ra tại châu Âu. Vận tải nội địa có ý nghĩa lớn đối với việc vận chuyển than đá, hiện được sử dụng để thay thế khí đốt.

Để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, gần đây Đức đã quyết định ưu tiên vận chuyển qua đường sắt các lô hàng liên quan năng lượng hơn là vận chuyển hành khách. Còn về đường thủy, trong bối cảnh Berlin đang chuyển một phần sang sử dụng điện than để bù vào sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, sông Rhine trở thành tuyến đường thủy huyết mạch đối với việc vận chuyển than.

Tuy nhiên, mực nước sông quá thấp khiến các nhà cung cấp năng lượng phải hạn chế sản lượng. Giới chuyên gia nhận định, mực nước thấp trên sông Rhine cũng khiến hoạt động vận chuyển các sản phẩm quan trọng từ dầu mỏ như xăng, dầu diesel hoặc dầu sưởi trên tuyến đường thủy này không thể diễn ra bình thường.

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, những đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên ở châu Âu trong những năm gần đây đều liên quan hiện tượng nóng lên toàn cầu và dự kiến tình trạng này còn tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Bởi vậy, vạch ra chiến lược để ứng phó mực nước thấp do hạn hán là một bước đi cần thiết của Đức để không bị động trước hình thái thời tiết cực đoan.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là những hành động mạnh mẽ hơn nữa của mọi quốc gia để chống biến đổi khí hậu, vốn là yếu tố chính ảnh hưởng vòng tuần hoàn của nước.