Hiện tượng những người trẻ khởi nghiệp phải sang Singapore gọi vốn đã làm nóng hội thảo "Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam", do Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC-Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) phối hợp Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức mới đây. Hội thảo nằm trong khuôn khổ diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022.
Đi đường vòng vì vướng "nút cổ chai"
Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của Quỹ đầu tư ThinkZone cho biết, hiện nay đang có nghịch lý là các quỹ đầu tư không rót vốn trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam mà thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam lập pháp nhân mới tại các quốc gia khác (thông thường là Singapore) để rót vốn. Sau khi nhận được vốn, các doanh nghiệp tại Singapore sẽ quay trở lại đầu tư vào doanh nghiệp tại Việt Nam. Ðiều này làm nản lòng cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như nhà đầu tư vì như vậy cùng lúc phải thực hiện hai lần thủ tục, gồm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù Nghị định 38/2018/NÐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã cho phép thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam nhưng còn nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, tạo thành những "nút thắt cổ chai" khiến hoạt động của quỹ tại Việt Nam rất khó khăn.
Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của Quỹ đầu tư ThinkZone
Theo ông Thẩm Trung Hiếu, mặc dù Nghị định 38/2018/NÐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã cho phép thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam nhưng còn nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, tạo thành những "nút thắt cổ chai" khiến hoạt động của quỹ tại Việt Nam rất khó khăn. Cụ thể là quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập; không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, phải kê khai các ngành nghề của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà quỹ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư... Những quy định này khiến dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang bị nghẽn. Thống kê của ThinkZone cho thấy, năm 2021, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, trong đó khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Thông tin từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, từ năm 2012 đến nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã tăng từ 400 lên 4.000 doanh nghiệp. Về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng khung pháp lý cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Ông Phan Ðức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, băn khoăn nhất của doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hiện nay chính là những rủi ro liên quan đến thể chế. Do chính sách chưa rõ ràng, cụ thể cho nên quỹ đầu tư và những người khởi nghiệp không thể tiên lượng được những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình hoạt động cũng như những quy định cần phải áp dụng để không bị làm sai. Do đó, ông Phan Ðức Hiếu kiến nghị, NIC cần chủ động rà soát các quy định pháp luật liên quan đang hạn chế đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, để từ đó có những đề xuất tạo sự bứt phá cho lĩnh vực này trong tương lai.
Xóa bỏ rào cản
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới chỉ ra những yếu tố cho thấy triển vọng rất lạc quan cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Ðó là dòng vốn đổ vào đầu tư mạo hiểm đã tăng từ 300 triệu USD năm 2018 lên 1 tỷ USD năm 2021; số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ số ngày càng gia tăng; thị trường cũng tăng nhanh khi có thêm khoảng 8 triệu người tiêu dùng số xuất hiện sau đại dịch Covid-19... Nhưng chuyên gia này cũng nhìn nhận còn nhiều điểm hạn chế trong hành trình sắp tới. Ðó là còn thiếu cách tiếp cận thống nhất, mạnh mẽ để tạo nên hiệu ứng lớn hơn cho một chương trình mang tính chất bao quát về đổi mới sáng tạo.
Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới chỉ ra những yếu tố cho thấy triển vọng rất lạc quan cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Ðó là dòng vốn đổ vào đầu tư mạo hiểm đã tăng từ 300 triệu USD năm 2018 lên 1 tỷ USD năm 2021; số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ số ngày càng gia tăng; thị trường cũng tăng nhanh khi có thêm khoảng 8 triệu người tiêu dùng số xuất hiện sau đại dịch Covid-19...
"Một số quốc gia đã ban hành đạo luật về đổi mới sáng tạo nhằm đưa ra thông điệp chung thống nhất và rõ ràng để thúc đẩy hoạt động này. Tại Singapore, nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh đổi mới sáng tạo là nhờ vai trò lãnh đạo dẫn dắt của Chính phủ, từ đó tạo ra thái độ phục vụ tuyệt vời của đội ngũ công chức đối với doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều chương trình có kết quả tốt góp phần ra đời những kỳ lân mới, hy vọng tinh thần phục vụ này tiếp tục được lan tỏa cùng với những nỗ lực hơn nữa", ông Toni Kristian Eliasz nói.
Thông tin với các quỹ đầu tư và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông nhấn mạnh: Các chính sách hỗ trợ và đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được đề cập trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên một số văn bản hướng dẫn chậm được ban hành; tiêu chí thế nào là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chưa được quy định cụ thể nên tác dụng của chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Ðể khắc phục, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ đánh giá tình hình triển khai Nghị định 38/2018/NÐ-CP và tiếp thu ý kiến của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan tới đầu tư, rút vốn, thoái vốn chuyển nhượng vốn.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng được Chính phủ giao nghiên cứu tổng hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách về đầu tư mạo hiểm. Một chương trình thiết thực khác đang được triển khai là hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực hoạt động đến năm 2025 cho 100 doanh nghiệp thông qua dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện NIC đang phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Ðức (GIZ) nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số gồm chín nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, áp dụng thí điểm tại Hà Nội. Thông qua bộ chỉ số này, doanh nghiệp có thể tự đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo để tự hoàn thiện.
Về phía NIC sẽ thống kê, tổng hợp hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp để từ đó kiến nghị giải pháp sửa đổi chính sách cho phù hợp tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ những rào cản và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong cả nước.