Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy, mở rộng sự tham gia góp ý của nhân dân vào công tác, lĩnh vực được giao nhằm hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân. Bởi năng lực, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên có tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng.
Tăng cường tiếp thu ý kiến nhân dân
Năm 2021, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính. Có được kết quả đó, một phần là từ tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” được tổ chức thường xuyên tại 100% xã, thị trấn trong huyện. Năm 2019, khi góp ý, nhân dân nêu rõ việc giải quyết thủ tục hành chính trong huyện còn rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân. Cụ thể như tại xã Bình Dương, một phụ nữ đơn thân không biết đi xe máy nhưng bảy lần đi từ huyện đến xã làm thủ tục cấp “sổ đỏ”. Mỗi lần đi như vậy, chị phải thuê xe ôm. Qua đây, người dân mong muốn cần phải được hướng dẫn các bước làm thủ tục một cách rõ ràng, để không phải đi lại nhiều lần như vậy.
Nghiêm túc tiếp thu góp ý của nhân dân, huyện Thăng Bình tăng cường nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tập trung rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các thủ tục hành chính không phù hợp, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Huyện tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại, trong xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm thông suốt, kịp thời. Tiếp nhận và xử lý ngay phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, huyện đã bảo đảm 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Qua khảo sát, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt hơn 80%.
Việc mở diễn đàn lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng Đảng, chính quyền được các cấp ủy, chính quyền, đơn vị ở tỉnh Quảng Nam duy trì từ nhiều năm và trở thành việc làm thường xuyên. Tháng 10 vừa qua, thành phố Tam Kỳ tổ chức diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thành phố 2021”. Đã có 14 ý kiến nêu ra những mặt tích cực và còn tồn tại trong thực thi công vụ của các phòng, ban thành phố và các địa phương, nhiều nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đô thị. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tinh thần, thái độ, trách nhiệm, năng lực thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức chính quyền thành phố… Đồng chí Trần Nam Hưng, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ, diễn đàn là cơ hội để cán bộ thành phố trực tiếp nghe đóng góp thẳng thắn của người dân. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Để mở rộng các hình thức tiếp nhận đóng góp từ nhân dân, cán bộ phường Đồng Tâm, TP Lào Cai (Lào Cai) tạo các nhóm zalo, kết nối các đồng chí lãnh đạo tổ chức đảng, đoàn thể ở khu dân cư như: nhóm bí thư chi bộ, trưởng khu phố, hội phụ nữ, hội nông dân… Theo Bí thư Đảng ủy phường Đỗ Thị Lan Phương, Đồng Tâm là phường trung tâm, dân cư đông, việc thành lập các nhóm liên lạc qua mạng internet như vậy sẽ làm cán bộ thêm việc. Hầu như bất kỳ ngày nào, giờ nào khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân là các đồng chí lãnh đạo trong phường đều phải có trách nhiệm giải quyết. Nhưng qua kênh thông tin này, phường luôn nắm chắc tình hình địa bàn và tạo được mối liên hệ gần gũi giữa Đảng ủy, chính quyền với nhân dân.
Với huyện vùng cao, biên giới Mường Khương (Lào Cai), Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng cho biết, nhiều lần về sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản, người dân đã góp ý về tình trạng một số cán bộ uống rượu trong giờ làm việc, rời nhiệm sở không rõ lý do… Để khắc phục, huyện tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật công vụ, đồng thời lắp đặt hệ thống camera tại toàn bộ trụ sở đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Qua đây, lãnh đạo huyện thường xuyên theo dõi, kịp thời chấn chỉnh tác phong, thái độ trong tiếp xúc với nhân dân, nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài việc công khai số điện thoại lãnh đạo thành phố, để tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc của cử tri và nhân dân trên địa bàn, từ tháng 7/2021, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của cử tri qua điện thoại. Toàn bộ các thông tin của cử tri sẽ được bảo mật theo quy định. Nội dung cử tri phản ánh, kiến nghị sẽ được Thường trực HĐND thành phố tiếp nhận, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Những cách làm sáng tạo, thiết thực của các cấp ủy, chính quyền đã góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Công tác tiếp dân và đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở các cấp và nhân dân theo các quyết định của Bộ Chính trị được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực.
Để nhân dân thật sự là chỗ dựa của Đảng
Kết luận số 21-KL/TW xác định: “thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại một số địa phương, đơn vị, lòng tin của nhân dân bị giảm sút khi nhiều ý kiến, kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, thấu đáo, thậm chí những người dám nói ra sự thật còn bị chèn ép, trù dập.
Tháng 8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê bình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi và Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành do chậm giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân và yêu cầu công khai văn bản xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng. TP Quảng Ngãi tiếp nhận 2.480 hồ sơ nhưng chỉ mới giải quyết và trả kết quả cho 632 hồ sơ cho công dân, trễ hẹn 596 hồ sơ. Huyện Nghĩa Hành tiếp nhận 251 hồ sơ nhưng chỉ mới giải quyết và trả kết quả cho công dân 136 hồ sơ, trễ hẹn 96 hồ sơ. Dù nhân dân góp ý rất nhiều nhưng đội ngũ cán bộ chưa có chuyển biến. Không chỉ ở TP Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành mà nhiều nơi vẫn còn cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu “thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”. Đây chính là lý do để nhiều người dân chưa mạnh dạn góp ý với chính quyền, cán bộ.
Vì vậy, Kết luận số 21-KL/TW xác định rõ trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy, tổ chức đảng và yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp: “phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”.
Thống nhất với những giải pháp của Kết luận số 21-KL/TW, tiến sĩ Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết phải đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là trong thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Với vai trò hạt nhân, Mặt trận cần tăng cường các hình thức đối thoại trực tiếp, đối thoại giữa người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương với nhân dân. Đổi mới cách giải quyết các kiến nghị sau khi góp ý. Triển khai góp ý cá nhân, cán bộ, đảng viên và góp ý công tác cán bộ theo các nghị quyết của Đảng. Không dừng lại góp ý với tổ chức đảng, chính quyền mà mở rộng toàn hệ thống chính trị.
Khuyến khích đi đôi với bảo vệ người góp ý đúng cũng là vấn đề đặt ra trong hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Có sự việc đến hôm nay vẫn để lại trong dư luận nhiều thắc mắc, chờ đợi. Đó là hành động của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra một số nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, về dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Theo đó, nhiều nội dung tố cáo của ông được Thanh tra Chính phủ kết luận là có cơ sở. Thanh tra Chính phủ đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, bảo đảm quyền lợi cho ông Lương Xuân Bình trong quá trình công tác ở vị trí Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Lương Xuân Bình về hành vi mang tính trù dập ông. Vụ việc kéo dài từ năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận vào năm 2020 nhưng hiện người tố cáo vẫn chưa được phục hồi mọi quyền lợi.
Từ góc độ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đồng chí Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, một nguyên nhân hiện nay khiến cán bộ, đảng viên và người dân chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là vẫn còn trường hợp người tố cáo chưa được bảo vệ thích đáng, bị trả thù, trù dập, các hành vi trả thù chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc cần làm là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp để bảo vệ người tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và sẵn sàng góp ý chân thành xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.