Đưa nông dân đi nước ngoài học làm nông nghiệp

Để nâng cao năng lực sản xuất của nông dân, cũng như cán bộ quản lý, Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới phê duyệt Đề án tổ chức nông dân đi học tập nước ngoài và trong nước giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu góp phần bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00

Tiếp cận những điều mới

Theo đề án "Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025" dự kiến sẽ đi các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Australia... và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), nông dân, cán bộ quản lý sẽ học tập chương trình xúc tiến thương mại, gắn kết sản xuất nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm từ công tác sản xuất, sơ chế, bảo quản đến thiết kế bao bì, logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Trong chuyến học tập, các đơn vị sẽ trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách, hình thức hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm... phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những người tham gia học tập các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, nông nghiệp hiện đại mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái nông thôn.

Đề án chú trọng các mô hình sản xuất và phân phối nông sản đạt các chứng nhận tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp: GlobalGAP, AsiaGAP, USDA organic, Euro-Leaf, JAS Organic phục vụ phân khúc xuất khẩu và nội tiêu cao cấp.

Đối với đề án "Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh, thành phố trong nước giai đoạn 2023-2025", nông dân sẽ được học tập mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Cùng với đó, cán bộ quản lý tham gia cần mở rộng mối quan hệ giao lưu hợp tác theo hướng đa khu vực và đa ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp.

Các thành viên học tập là nông dân sản xuất giỏi, hợp tác xã nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên cho các đối tượng sản xuất sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của ngành nông nghiệp thành phố.

Đáng chú ý, những người tham gia phải có quy mô sản xuất lớn, căn cứ vào mục đích và nội dung học tập để xác định và có đủ tiềm lực tài chính mở rộng, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phục vụ sản xuất.

Những cán bộ tham gia gồm Hội Nông dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến-Thương mại và Đầu tư, Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý lĩnh vực có liên quan. Riêng chuyến học tập nước ngoài, cán bộ quản lý không quá 20% số lượng tham gia.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp Hội Nông dân thành phố triển khai các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, tạo sản phẩm nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị.

Trung tâm Xúc tiến-Thương mại và Đầu tư phối hợp với Hội Nông dân thành phố giới thiệu, hỗ trợ kết nối các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp quảng bá, ký kết biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm trong mỗi chuyến đi. Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với Hội Nông dân thành phố nghiên cứu, tư vấn lựa chọn các mô hình sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả có thể áp dụng phù hợp tại thành phố.

Đối với chuyến đi nước ngoài, các đơn vị nhà nước tranh thủ vận động, thu hút cơ hội đầu tư, trao đổi kinh nghiệm giữa Hội Nông dân và Tổ chức Nông dân các nước. Nếu có điều kiện thuận lợi tương đồng về nhu cầu và khả năng cung ứng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn thì các đơn vị tham gia cần xúc tiến thương mại, ký kết biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở kết quả học tập, cán bộ đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi và tổ chức sơ, tổng kết đánh giá từng thời điểm, đề xuất các cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn nền nông nghiệp thành phố.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, đối với mô hình học tập nước ngoài, trước khi đi, ban tổ chức xem xét lựa chọn quốc gia, các đối tác, cơ sở nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp có thế mạnh liên quan đến những ngành nghề sản xuất nông nghiệp của thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng chuyến đi. Tránh tình trạng, nhiều nông dân đi học tập nước ngoài về lại không học được theo ý muốn của mình và không đồng thuận sau chuyến đi bởi sản xuất lĩnh vực khác nhau, trong khi đó mô hình nông nghiệp nước ngoài vẫn còn khác so với Việt Nam do thổ nhưỡng, khí hậu... nên áp dụng sản xuất cũng khác biệt. Ngược lại, nông dân sẽ học tập được kinh nghiệm sản xuất, quản lý, công nghệ tại các nước tiên tiến. Đối với đề án trong nước rất thuận lợi về xúc tiến nên ban tổ chức cần tập trung đẩy mạnh liên kết vùng phát triển bền vững.

Theo Đề án, sau chuyến đi, những người tham gia sẽ tuyên truyền, vận động nông dân về các chương trình hoạt động góp phần hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố như: phấn đấu 70% hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh tham gia mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác; chỉ tiêu hằng năm có từ 65% số hộ nông dân đăng ký và có từ 55% hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; chỉ tiêu hằng năm có 450 hộ hội viên nông dân được tư vấn, hỗ trợ thoát nghèo.