Sinh năm 1952 tại Phú Xuyên (Hà Nội), trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng tình yêu dành cho những tiếng hát, điệu đàn dân tộc sớm đã bén rễ nơi Đồng Văn Minh từ những ngày còn thơ bé. Năm 17 tuổi, ông quyết định trốn bố mẹ thi tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), được phân vào Khoa dây, bộ môn violoncell.
Theo học tại đây suốt từ hệ trung cấp tới đại học chính quy, nhưng niềm đam mê với âm nhạc dân tộc trong ông chưa bao giờ phai nhạt, nhất là từ khi ông quen và đem lòng yêu cô gái chơi đàn tranh cùng trường, cũng là người vợ hiền sau này của ông - Nghệ sĩ Ưu tú Mai Lai, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đàn tranh, Khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Nhờ có vốn kiến thức của hơn 10 năm học và chơi nhạc cụ phương Tây, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Đồng Văn Minh đã hiểu nguyên lý hoạt động và biết chơi gần 10 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau, như: Sáo nai, sáo một lỗ, sáo mèo, đàn t’rưng, đàn đá, đàn k’lông-pút; đàn k’ni…
Niềm yêu thích dành cho những thanh âm dân tộc ngày một lớn trong ông, và càng có điều kiện phát triển sau khi tốt nghiệp đại học năm 1979, ông được sắp xếp công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - một đơn vị mạnh về âm nhạc dân tộc trong khối nghệ thuật cả nước.
Song song với vai trò nghệ sĩ biểu diễn cello và đàn tứ trầm của nhà hát, ông không ngừng nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc. Nhận thấy một số loại do còn nguyên bản, thô sơ nên bị hạn chế về âm sắc, cách thể hiện, ông đã quyết tâm tìm bằng được cách cải tiến. Chẳng hạn, cây đàn đinh pá của Tây Nguyên nguyên bản chỉ có ngũ cung, nhưng đã được ông nâng cấp thành 12 âm, có thể chơi được nhiều bản nhạc hơn.
Hay với đàn chinhgram được làm hoàn toàn bằng các thanh tre, ở dưới các nốt đàn, ông làm thêm một bầu cộng hưởng bằng cây bương giúp âm thanh phát ra được vang, đầm và tròn hơn… Những nhạc cụ dân tộc do ông cải tiến đã được Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đưa vào thể nghiệm trong nhiều tiết mục, góp phần làm nên dấu ấn nghệ thuật cho nhiều chương trình biểu diễn.
Đặc biệt, năm 1988, sau nhiều tháng ngày mày mò nghiên cứu, nghệ sĩ Đồng Văn Minh đã chế tạo thành công loại nhạc cụ hoàn toàn mới mang tên đàn tre lắc - loại đàn mà các khán giả nước ngoài thường gọi là “bamboo piano” (piano tre).
Đàn được thiết kế với 12 âm nên có khả năng diễn tấu được nhiều bản nhạc khác nhau cả của Việt Nam và quốc tế, đồng thời thể hiện được nhiều cung bậc đa dạng tùy thuộc mức độ va chạm giữa các ống tre to, nhỏ, theo nhịp rung của ngón tay nhấn phím. Nhờ sáng chế rất có giá trị này, tháng 11/1988, nghệ sĩ Đồng Văn Minh được Nhà hát cử tham gia Liên hoan biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn quốc.
Phần trình diễn ấn tượng của ông cùng cây đàn do chính mình sáng tạo đã giành được 50 điểm tròn của năm thành viên hội đồng giám khảo, giúp ông có được Huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật. Đây cũng là cột mốc đánh dấu việc ông từ một nghệ sĩ biểu diễn tập thể trở thành nghệ sĩ độc tấu đàn tre lắc uy tín. Cùng với đó, tài năng làm đàn của ông càng lúc càng vang xa.
Từ chỗ chỉ định tự tay làm đàn cho vợ chơi, ông trở thành một trong những nghệ nhân chế tác đàn tre, nứa, đá số một Việt Nam. Hơn 30 năm qua, ông đã chế tác hàng nghìn nhạc cụ dân tộc chất lượng cao cho các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật, trường nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.
Nghệ sĩ Đồng Văn Minh chia sẻ ông luôn tự hào và hạnh phúc vì cả hai con trai là Đồng Quang Vinh và Đồng Minh Anh đều được trao truyền tình yêu âm nhạc dân tộc từ cha mẹ. Khi Đồng Quang Vinh mới 9 tuổi, vợ chồng ông hướng con học chuyên ngành sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Minh Anh sau đó cũng được cho theo học đàn bầu.
Nhận thấy hai con có năng khiếu, nghệ sĩ Đồng Văn Minh lóe lên ý tưởng thành lập một ban nhạc gia đình chỉ chuyên chơi âm nhạc dân tộc bằng nhạc cụ tre, nứa do mình làm ra. Và năm 1993, “Tre Việt” chính thức ra đời, nhanh chóng trở thành “sứ giả văn hóa” quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới khi liên tiếp được mời biểu diễn tại nhiều quốc gia.
Đến giờ, nghệ sĩ Đồng Văn Minh vẫn chưa thể quên ấn tượng từ chuyến lưu diễn đầu tiên năm 1996 tại Nhật Bản. Đó là thời điểm giới trẻ Nhật Bản đang bị cuốn theo những trào lưu âm nhạc mới mà xa rời âm nhạc dân tộc, cho nên khi chứng kiến cậu bé 12 tuổi Đồng Quang Vinh có thể tự tin thể hiện được nhiều bài dân ca Việt Nam bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, các khán giả Nhật Bản thật sự xúc động và có người đã bật khóc…
Sau này, kết thúc chương trình tu nghiệp cao học tại Trung Quốc và về nước, trên cơ sở ban nhạc “Tre Việt”, nhạc trưởng tài năng Đồng Quang Vinh đã thành lập dàn nhạc “Sức sống mới” với phạm vi mở hơn, vượt ra khỏi ranh giới gia đình, nhưng vẫn sử dụng các nhạc cụ tre nứa để diễn đạt âm nhạc hàn lâm một cách đầy ấn tượng, sáng tạo. Và không chỉ tham gia biểu diễn cùng “Sức sống mới”, nghệ sĩ Đồng Văn Minh còn hậu thuẫn vững chắc cho con khi đảm nhận khâu chế tác, cải tiến nhạc cụ.
Khó có thể kể hết những bằng khen, giấy khen, Huy chương vàng trong nước, quốc tế mà Nghệ sĩ Đồng Văn Minh đã nhận được từ các liên hoan, hội diễn, cuộc thi chuyên nghiệp, hay từ những chương trình quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam-thế giới… Chính những đóng góp quý báu cho nền âm nhạc dân tộc, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997; nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012.
Và mới đây, ông đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ở tuổi 72, sau hơn 10 năm nghỉ hưu, nghệ sĩ Đồng Văn Minh vẫn không ngừng cống hiến cho âm nhạc dân tộc. Ông vẫn bận rộn với nhiều chương trình biểu diễn; vẫn miệt mài với công việc làm đàn và thi thoảng vẫn nhận lời mời dàn dựng các tiết mục mới cho các nghệ sĩ, đơn vị dự thi ở những “sân chơi” nghệ thuật quan trọng.
Người nghệ sĩ nhiều duyên nợ với âm nhạc dân tộc chỉ trăn trở một điều, ấy là chưa tìm được truyền nhân trong lĩnh vực chế tác, cải tiến đàn tre, nứa, đá. Ông mong sẽ có người tiếp bước mình trên hành trình đó, để những thanh âm, điệu đàn dân tộc ngày càng được lan tỏa, ngân xa.