Đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng giai đoạn, luật thuế đã hai lần được sửa đổi, bổ sung và đang tiếp tục chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung một lần nữa để phù hợp với thực tế. Ðể hiện thực hóa định hướng này, cần phải có thêm nhiều điều kiện cần và đủ, giúp luật thuế quan trọng này đi vào thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả và công bằng, minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động đã nâng cao năng lực quản lý thuế. (Ảnh LÂM THANH)
Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động đã nâng cao năng lực quản lý thuế. (Ảnh LÂM THANH)

Bài 1: Đạt được mục tiêu cơ bản của luật thuế hiện đại

Thuế TNCN đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngân sách nhà nước, nhất là trong chuyển dịch cơ cấu nguồn thu theo hướng tích lũy trong nước tăng dần và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Thuế TNCN góp phần nâng cao tỷ trọng thu nội địa để ổn định thu cho ngân sách nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðánh giá của Bộ Tài chính về hiệu quả của Luật Thuế TNCN cho thấy, kể từ khi được ban hành vào năm 2007 đến nay, luật đã được rà soát sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN những lần sửa đổi, bổ sung. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có tính đến các bước đi phù hợp tình hình kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế, nhờ đó đã động viên kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội. Về cơ bản, việc thực hiện Luật Thuế TNCN trong giai đoạn vừa qua đã đạt được các mục tiêu khi ban hành.

Đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, thiếu đồng bộ

Ðáng lưu ý, chính sách thuế TNCN đã được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ cho cá nhân, người lao động trong những giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm. Ðiều này được thể hiện rõ trong giai đoạn 2011-2013 khi nền kinh tế phải ứng phó tác động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô và trong 3 năm gần đây trước các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi: Ðã có một số quy định của Luật Thuế TNCN bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp tình hình kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay. Ðó là các vấn đề liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp; biểu thuế lũy tiến và các nhóm vấn đề khác.

Pháp luật về thuế TNCN đang bộc lộ một số "khoảng trống" trong việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới. Một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện cũng bộc lộ vướng mắc nên cần điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân để động viên nguồn lực vào ngân sách nhà nước.

Chính vì thế, để Luật Thuế TNCN phù hợp thực tiễn, cần phải đáp ứng nhiều điều kiện "cần" và "đủ", nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế...

Kết quả rà soát và định hướng hoàn thiện do Bộ Tài chính thực hiện cho thấy, sau khi rà soát toàn bộ 35 điều, khoản của Luật Thuế TNCN, có tới 22 điều cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh. Ngoài ra còn có các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.

Cùng với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung, cần phải kết cấu lại một số điều nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế dễ theo dõi trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, việc chưa quy định về các khoản thu nhập từ các hình thức hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tính chất đặc thù (như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, sim-số điện thoại, biển số xe...) là chưa bảo đảm tính công bằng giữa các cá nhân có phát sinh thu nhập, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để chuyển từ việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo mức thuế suất thông thường là 20%) sang áp dụng quy định về thuế TNCN hiện nay (không phải nộp thuế).

Trong đó, đáng lưu ý là cần nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ, áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn sẽ giúp cơ quan chức năng điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản. Ðể thực hiện được công tác này, việc sửa đổi quy định về xác định giá chuyển nhượng bất động sản cần đi trước một bước nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên thị trường, từ đó bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước về bất động sản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu tăng mức thuế suất đối với một số khoản thu nhập từ hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số, thu nhập từ trúng thưởng. Ðây là các mô hình kinh doanh mới, cần được tính toán, điều chỉnh lại tỷ lệ thuế TNCN trên doanh thu. Ðặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng phạm vi thu nhập từ thừa kế, quà tặng theo hướng bao quát cả tiền và hiện vật (hiện chỉ áp dụng thu thuế đối với khoản thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng).

Đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế ảnh 1

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh THANH HÀ)

Cần rà soát, điều chỉnh mức giảm trừ và thuế suất

Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định..., số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Luật Thuế TNCN (áp dụng từ 1/1/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng và cho tới nay, mức giảm trừ này đã tăng lên tương ứng là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng, góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.

Tuy nhiên, thời gian qua, có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng; mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn, phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào đô thị lớn...

Chính vì thế, cần rà soát, điều chỉnh các quy định về mức giảm trừ gia cảnh, mức thuế suất tại Biểu thuế lũy tiến từng phần và các mức thu nhập tính thuế tương ứng, nâng mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh... cho phù hợp thực tế và mức sống của người dân.

(Còn nữa)