Đưa hành động vì khí hậu đi đúng hướng

Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra trong bối cảnh năm 2023 được dự báo là năm nóng nhất từng được ghi nhận và biến đổi khí hậu gây ra hậu quả nặng nề đối với cuộc sống và sinh kế của người dân thế giới. Đây là thời điểm quyết định để các bên thực hiện các cam kết về khí hậu nhằm giảm nhẹ tác động của một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
UAE chủ trì hội nghị chuẩn bị cho COP28.
UAE chủ trì hội nghị chuẩn bị cho COP28.

Năm 2023, thế giới đã gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ cháy rừng tại Hawaii (Mỹ), lũ lụt ở miền đông Libya, đến hạn hán ở miền nam Iraq... Ngay trước thềm COP28, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh, biến đổi khí hậu tác động đến mọi quốc gia và nền kinh tế; cho rằng tất cả quốc gia đều đang ở “tuyến đầu” trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế chưa đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các báo cáo của Liên hợp quốc nhận định, những kế hoạch về giảm phát thải khí nhà kính và tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch đang được thúc đẩy, song vẫn chưa đủ. Năm 2023 là thời điểm kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về Đánh giá nỗ lực toàn cầu (Global Stocktake) về thực hiện Thỏa thuận Paris. Những “khoảng trống” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được nêu trong văn bản này thúc giục các quốc gia đặt ra các mục tiêu và cam kết mới.

Hơn 70.000 đại biểu, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên, tham dự các hoạt động trong khuôn khổ COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế với sự kiện đa phương quan trọng nhất trong năm về biến đổi khí hậu. Trong vai trò chủ nhà COP28, UAE lựa chọn các mục tiêu chính của hội nghị là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng và cắt giảm khí thải; ổn định tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của con người làm trọng tâm của hành động khí hậu. UAE kỳ vọng đưa COP28 trở thành hội nghị về khí hậu toàn diện nhất từ trước đến nay.

COP28 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp cắt giảm khí thải và bảo đảm thực hiện. Các bên cũng tiếp tục thảo luận về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC so với thời tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ 21. Giải quyết thách thức trong xây dựng và triển khai các kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu cũng được thảo luận tại hội nghị.

Vấn đề tài chính từ lâu là trọng tâm của các hội nghị về khí hậu. Tuy nhiên, cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu đã lỡ hẹn vào năm 2020. Thư ký điều hành UNFCCC nhận định, khi những nguồn lực chảy đến các quốc gia đang phát triển chỉ “nhỏ giọt”, thì cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo sẽ chỉ là “ảo ảnh trên sa mạc”. Nhằm giúp các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, Quỹ tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27 ở Ai Cập. Cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ này là nội dung được các bên quan tâm tại COP28.

Một thỏa thuận quốc tế nhằm tăng công suất, hiệu quả sử dụng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo là lời kêu gọi mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra do lo ngại về tốc độ băng tan ở Nam Cực tăng nhanh. Trước COP28, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và UAE, cùng hơn 100 quốc gia đã ủng hộ một thỏa thuận nhằm tăng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên ba lần vào năm 2030. Mỹ và Trung Quốc tháng 11 vừa qua cũng nhất trí tăng sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy nhanh việc thay thế than, dầu mỏ và khí đốt. Thỏa thuận về khí hậu giữa hai trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới này được kỳ vọng tiếp thêm động lực cho các cuộc đàm phán tại Dubai.

COP28 là cơ hội để biến các kế hoạch thành hành động, tạo ra bước đột phá trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh rằng không còn thời gian để lãng phí, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber kêu gọi các bên đưa ra cam kết tham vọng hơn, hành động quyết đoán hơn và đoàn kết vì mục tiêu chung là bảo đảm một tương lai bền vững cho cả hành tinh.