Đến nay, người dân ở các vùng nông thôn đã khá quen thuộc với chương trình này. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu..., đây chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn. Bà Nguyễn Thị Lộc ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: "Từ khi có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người dân ở đây rất vui, nhiều người đến tìm hiểu sản phẩm, rồi mua về dùng. Bây giờ hàng Việt có chất lượng rất tốt và giá cả hợp túi tiền của mình nên dễ mua".
Với nhiều doanh nghiệp, lý do chính tham gia bán hàng tại nông thôn không phải vì doanh số, mà điều quan trọng là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Còn với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Hiện nay hàng Việt đã chiếm hơn 80% số lượng sản phẩm được bày bán tại chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, tại các phiên chợ và hội chợ Việt, doanh nghiệp bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân. Để bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, các đơn vị đã không ngừng phát triển hệ thống phân phối; cung ứng hàng nghìn điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội, bao gồm các hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa...
Bên cạnh đó, có hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn. Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bắt đầu tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Điều đáng nói là tại những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" và hội chợ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", 100% mặt hàng được bày bán là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá...
Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, vở học sinh...
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được xem là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Những phiên chợ hàng Việt nói riêng và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nói chung, còn kết nối và tạo ra động lực cho lưu thông và phát triển chuỗi tiêu dùng trong nước; góp phần tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây còn là hành động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao ý thức, từng bước củng cố lòng tự hào về chất lượng sản phẩm trong nước, thay đổi thói quen "sính ngoại", hình thành thói quen tiêu dùng tốt trong nhân dân.