Đưa dòng điện về bản xa

Điện lực Thanh Hóa đã hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia về 100% số xã trong tỉnh, kể cả các xã của 11 huyện miền núi. Theo tính toán, để đưa điện lưới về trung tâm một xã như xã Mường Lý (huyện Mường Lát), phải đầu tư tới gần 18 tỷ đồng. Từ trung tâm về bản, có bản cách xa tới 22 km, việc đầu tư cũng hết sức tốn kém. Điện đã về xã rồi, còn về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thì sao?

Đến nay, Thanh Hóa đã có bốn huyện miền núi như Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh và Thạch Thành đã đưa điện về tới tất cả các thôn, bản, còn lại 105 bản chưa có điện, muốn đưa điện về phải đầu tư cho mỗi bản từ 40 đến 50 triệu đồng. Điện lực Thanh Hóa đang tìm cách từng bước giải quyết với sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong bốn huyện có điện về tất cả các thôn, bản, trước năm 2014, huyện miền núi Thạch Thành đã hoàn thành nhiệm vụ này.

Huyện Thạch Thành giáp với tỉnh Hòa Bình, có con sông Bưởi từ Hòa Bình chảy qua huyện hơn 30 km. Năm 2007, nước lũ dâng cao tới 9 m làm cho cả huyện ngập chìm trong biển nước. Nước lũ cũng nhấn chìm cả hệ thống mạng lưới điện hạ thế. Nước rút, hầu hết các trạm biến áp và công-tơ điện phải sửa chữa, thay thế. Điện lực Thạch Thành, với sự chỉ đạo và giúp đỡ của Công ty Điện lực Thanh Hóa đã sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời kết hợp với sửa chữa, đã xây dựng mới những đường dây đưa điện về các bản, đáp ứng mong mỏi bao lâu nay của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Về Thạch Thành, tôi được Giám đốc điện lực huyện Thạch Thành Dư Công Đồng và Phó Giám đốc Xuân Trường kể cho nghe những câu chuyện vui buồn của bà con thôn, bản, khi kéo được dòng điện lưới quốc gia về nhà. Có nơi, bà con tổ chức mổ lợn liên hoan mừng anh em thợ điện đã nâng cấp đường dây, cấy thêm trạm biến áp, thay cột điện tre bằng cột bê-tông. Vui là thế, mà lo cũng nhiều, lo hằng ngày phải bảo quản an toàn mạng lưới điện, lo mưa lũ lớn có thể xảy ra. Dọc theo sông Bưởi, ngược lên phía bắc, tới xã Thạch Lâm, nơi có 98,3% đồng bào là người dân tộc Mường. Thạch Lâm giáp với xã Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), có diện tích gần 6.500 ha, chủ yếu là đất rừng. Nhân dân trong xã nghèo lắm, chủ yếu sống bằng nghề rừng, trồng cây keo, xen canh thêm ngô, sắn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 13 - 15 triệu đồng/năm.

Hộ nghèo ở đây chiếm tới 53,3%, là xã nghèo thứ hai trong huyện Thạch Thành. Một xã nghèo như Thạch Lâm, nhưng lại có điện từ rất sớm, về tận tám bản trong xã. Nhờ có điện, một khu dân cư ven đường Hồ Chí Minh bắt đầu trở thành “phố”, xuất hiện những xưởng mộc dân dụng, dịch vụ máy xay xát, chế biến thức ăn gia súc,…

Một cán bộ xã đưa tôi đến bản Đồi bên tả ngạn sông Bưởi. Mùa khô, con sông này hiền hòa, êm ả, muốn qua sông phải đi bộ tuột dốc cao hàng chục mét mới xuống đến cầu phao. Cái mới dễ nhận ra ở đây là những nhà sàn hai bên bờ sông đều được đổ cột bê-tông cao dăm bảy mét thay cột gỗ xưa kia, vừa dễ dàng chống mưa lũ ngập nước, vừa hạn chế được việc chặt cây, phá rừng làm nhà. Bản Đồi chỉ có mươi hộ dân, nhưng hộ nào cũng có điện lưới quốc gia kéo vào tận nhà. Vào thăm nhà anh Bùi Xuân Kính, hỏi chuyện dùng điện, anh chỉ tay: Điện đó, chạy tủ lạnh, ti-vi, buổi tối có điện thắp đèn trong nhà sàn, dưới mái hiên nữa. Từ khi có điện, đời sống nhân dân ở các bản mường miền núi đã đổi thay rõ rệt, trẻ em có ánh sáng học bài, một số nghề phụ ra đời đã góp phần giải quyết việc làm cho khá nhiều người dân trong bản. Nhìn lên đường dây điện bắc qua sông Bưởi, cao vút nối hai ngọn núi nhấp nhô, đồng chí Dư Công Đồng kể lại, trước đây, anh cùng anh em công nhân phải hết sức vất vả mới đưa được cột điện lên núi. Không có đường lên núi, tất cả mọi người phải dọn đá, phát cây, mở con đường nhỏ để vận chuyển vật liệu và dùng tời kéo cột điện từ chân núi lên.

Bản Đồi nằm lọt thỏm giữa thung lũng âm u ngày nào, giờ đêm đêm đã tỏa sáng ánh điện. Tôi chợt nhớ lại câu nói thấm thía của Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Trịnh Xuân Như: "Ngành điện đưa điện về các xã, thôn, bản miền núi không vì mục tiêu kinh doanh, mà trước hết vì nhiệm vụ chính trị". Quả đúng như vậy, đầu tư lưới điện về một bản lên tới hàng tỷ đồng, nhưng tiền bán điện thu về chỉ vài chục nghìn đồng/hộ, mặc dù được Nhà nước ưu đãi về giá điện nhưng mỗi tháng mỗi hộ dân cũng chỉ dùng vài chục “số” điện. Nếu không phải chủ nghĩa xã hội, với nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, làm sao dòng điện có thể đến được với đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi?