Ma Lỳ Sán là thôn vùng cao của xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, nơi có gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với khát vọng có điện để thắp sáng cho các bản làng trên địa bàn, trước năm 2022, người dân trong thôn đã bàn bạc, thống nhất tự góp tiền mua dây, dựng cột để kéo điện từ các thôn lân cận về sử dụng. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, đường dây đấu nối quá xa cho nên nguồn điện yếu, do đó các hộ dân trong thôn mới chỉ sử dụng điện thắp sáng, còn các thiết bị điện tử, điện lạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cũng như sản xuất chưa sử dụng được…
Sau khi nắm bắt tình hình các hộ dân ở Ma Lỳ Sán, lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Giang đã chỉ đạo điện lực huyện Xín Mần nghiên cứu và có phương án sớm nhất để khắc phục tình trạng thiếu điện sản xuất, phục vụ sinh hoạt của bà con. Ngay tháng đầu năm 2022, Công ty Điện lực Hà Giang đã quyết định đầu tư công trình cấp điện cho thôn Ma Lỳ Sán. Người dân trong thôn phấn khởi, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện về mặt bằng để đơn vị thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ. Đến tháng 8/2022, công trình đã hoàn thành, điện được thắp sáng trong niềm vui của người dân thôn bản.
Ông Lù Văn Thắng, Trưởng thôn Ma Lỳ Sán cho biết: Từ khi có điện, dân bản được sử dụng nguồn điện ổn định. Nhiều hộ đã mua các thiết bị điện tử về sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, rất tiện lợi. Trước kia, các hộ phải đi mấy cây số để xay xát lúa thì nay nhiều hộ đã mua máy xay xát về phục vụ bà con trong thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.
Tả Lử Thận (xã Pà Vầy Sủ) là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, với 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Trước đây cuộc sống của người dân rất khó khăn, nguồn thắp sáng chủ yếu là đèn dầu. Cuối năm 2022, dự án đưa điện về thôn Tả Lử Thận do Công ty Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư đã hoàn thành. Được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống của người dân có sự thay đổi rõ rệt, các thông tin thời sự, văn hóa được cập nhật tốt hơn, trẻ em có ánh sáng học chữ.
Bà Giàng Thị Hạng, thôn Tả Lử Thận vui vẻ cho biết: Từ khi được sử dụng điện lưới, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi. Gia đình mua các thiết bị phục vụ sinh hoạt như nồi cơm, bếp điện, quạt điện. Vui nhất là mua ti-vi về xem, nhiều chương trình truyền hình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi có thể học và vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình, từ đó đời sống đã khấm khá hơn so với trước.
Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc, thời tiết bất thường… ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển vật tư, cũng như vốn đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, do các hộ dân sống không tập trung cho nên phải kéo dài đường dây quá xa, dẫn đến điện áp không bảo đảm.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện cho biết: Ngành điện quyết tâm khắc phục những khó khăn và tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phấn đấu đến năm 2025 tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa ở Hà Giang sẽ có điện và được sử dụng nguồn điện ổn định. “Chúng tôi đang cố gắng xóa việc sử dụng điện qua công-tơ tổng, bảo đảm cho nhân dân sử dụng đủ, đúng chất lượng điện năng và giá bán điện do Chính phủ quy định”, Giám đốc Thiện khẳng định.
Để hoàn thành việc kéo điện về các thôn vùng cao, chính quyền địa phương và Công ty Điện lực Hà Giang đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để cấp điện cho hơn 23 nghìn hộ dân ở các thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, các huyện biên giới ở Hà Giang đang triển khai hàng chục dự án đầu tư đưa điện về thôn bản biên giới. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 120 thôn biên giới, đến nay chỉ còn sáu thôn chưa có điện. Hiện các thôn cũng đã nằm trong kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu 100% thôn biên giới có điện lưới quốc gia.
Là tỉnh giáp biên, việc kéo điện về các thôn vùng biên được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tất cả các thôn biên giới đạt tiêu chí nông thôn mới về điện. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia về trung tâm; 1.867 thôn bản (hơn 90% số thôn bản toàn tỉnh) có điện; hơn 182 nghìn hộ (93% tổng số hộ toàn tỉnh) được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng gần 11 nghìn hộ so với năm 2020. Hiện đã có 157 công trình lưới điện được đầu tư, trong đó có 31 công trình do Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư. Nhiều công trình đã hoàn thành, đóng điện trong niềm vui mừng, phấn khởi của dân bản.
Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ thôn biên giới đạt tiêu chí nông thôn mới về điện, trong đó đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ và lộ trình đầu tư từng giai đoạn. Đồng thời để bảo đảm nguồn vốn đầu tư, các địa phương và ngành điện đã ưu tiên, lồng ghép nhiều nguồn vốn, trọng tâm là vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia…
Với những nỗ lực trong nhiều năm đưa điện lưới về vùng cao của chính quyền các cấp và ngành điện đã từng bước góp phần thắp sáng bản làng vùng sâu, vùng xa, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản vùng cao Hà Giang.