Dữ liệu cá nhân là một loại tài sản cần phải được bảo vệ

NDO - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, mỗi cá nhân phải tự nhận thức được thông tin, dữ liệu cá nhân của mình là một loại tài sản. Tài sản đó phải được bảo vệ cẩn thận.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng. (Ảnh: Minh Sơn)
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng. (Ảnh: Minh Sơn)

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin tổ chức Hội thảo và triển lãm "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" năm 2023 với chủ đề "An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo".

Sự kiện do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Quản lý "thực sao ảo vậy"

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, dữ liệu cá nhân là tài sản của mỗi người.

"Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được thông tin, dữ liệu cá nhân của mình là một loại tài sản. Tài sản đó phải được bảo vệ cẩn thận, tránh chia sẻ dễ dãi, cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba không bảo đảm. Mỗi bộ, ngành cũng cần tự nhận thức được nguyên tắc "thực sao ảo vậy". Tức là cơ quan nào quản lý cái gì trong đời thật thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng. Như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh, trong sạch" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được thông tin, dữ liệu cá nhân của mình là một loại tài sản. Tài sản đó phải được bảo vệ cẩn thận, tránh việc chia sẻ dễ dãi, cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba không bảo đảm.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Thế giới đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt với sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Sự kết hợp này mở ra cánh cửa cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về quản trị và an toàn dữ liệu.

Hiện nay, AI đã trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm sự thống trị, dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. AI ngày càng thông minh hơn, có khối lượng lớn dữ liệu được thu thập và phân tích.

Thực tế, khi sử dụng dữ liệu không đúng, phục vụ cho mục đích xấu, dữ liệu không chỉ đe dọa đến quyền riêng tư cá nhân, quyền sở hữu tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong muốn, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm nhận thức và hành trang để tự tin chuyển đổi số, bước vào cuộc sống số một cách toàn diện và an toàn.

Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong năm 2023, Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ ban hành khẳng định vai trò quan trọng của dữ liệu trong đời sống, kinh tế-xã hội.

Năm 2023 cũng đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ đám mây và trí tuệ nhân tạo. Sự bùng nổ của các công nghệ này làm dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự bảo đảm an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu.

Dữ liệu cá nhân là một loại tài sản cần phải được bảo vệ ảnh 1
Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng. (Ảnh: Minh Sơn)

Phê duyệt cấp độ cho 100% hệ thống thông tin

Báo cáo về tình hình an toàn thông tin mạng năm 2023, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, trong 11 tháng qua, Cục An toàn thông tin ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.428 cuộc tấn công mạng. Trong đó, có 10.283 cuộc Phishing (giả mạo), 451 cuộc Deface (thay đổi giao diện), 884 cuộc Malware (mã độc), tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 456.699 địa chỉ, giảm 4,7% so với cùng năm 2022 (479.115 địa chỉ).

Trong năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận 11.428 cuộc tấn công mạng.

Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa tốt.

Hiện mới có khoảng 63% hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước được phê duyệt cấp độ, tăng thêm gần 10% so với năm 2022. Số lượng lớn trong đó chưa được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã phê duyệt.

Để tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình dự thảo Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Dữ liệu cá nhân là một loại tài sản cần phải được bảo vệ ảnh 2

Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa. (Ảnh: Minh Sơn)

Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, Bộ sẽ phê duyệt cấp độ cho 100% hệ thống thông tin. Đến tháng 12/2024, Bộ sẽ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với 100% hệ thống thông tin. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu năm 2024, 100% hệ thống thông tin được giám sát an toàn.

Tại hội thảo đã diễn ra lễ khai trương "Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ" của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cũng tại phiên toàn thể đã diễn ra lễ trao giải thưởng của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho các đội đạt giải nhất, nhì trong Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023. Bên lề sự kiện là triển lãm với hơn 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp an ninh, bảo mật thông tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội thảo và Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023 với chủ đề “An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo”.

Chương trình được diễn ra cả ngày tại Hà Nội với một phiên Hội nghị toàn thể và 3 phiên Hội thảo chuyên đề.