Vốn đã có thương hiệu từ lâu, song năm nay vườn cây trái Lái Thiêu (thành phố Thuận An, Bình Dương) trở nên nổi tiếng hơn với đặc sản “gỏi gà măng cụt” đang được chia sẻ, bình luận liên tục trên nhiều nền tảng mạng xã hội phổ biến. Khoảng một tháng nay, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền nam khác đều đặn tìm đến các nhà vườn, nhà hàng, homestay, nhất là các nhóm khách trẻ, khách gia đình.
Với mức phí tham quan chỉ vài chục nghìn đồng, khách được dạo chơi, chụp ảnh check-in, tìm hiểu về các loại cây trái đặc sản như măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, dâu da... trong không khí mát mẻ và hương thơm ngọt ngào. Vựa trái cây Lái Thiêu nằm ven sông Sài Gòn với hệ thống kênh rạch đan xen chằng chịt, người nông dân đã tận dụng lợi thế để trồng và cung cấp nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế suốt hàng chục năm qua, gần đây kết hợp thêm các mô hình du lịch sinh thái, phục vụ nghỉ mát, ăn uống và trải nghiệm một phần văn hóa miệt vườn.
Ông Nguyễn Văn Dội, một chủ nhà vườn ở khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định cho biết gia đình ông có khoảng hơn 5.000m2 vườn trồng các loại cây ăn trái, được trao truyền nhiều đời. Mặc dù khu vực chung quanh đang đô thị hóa nhanh, nhưng ông và người thân vẫn giữ nghề và duy trì làm du lịch với 10 chòi phục vụ khách trải nghiệm hái trái cây, thưởng thức các món ăn bình dân. “Không cần xây phòng cầu kỳ hay làm đường bê-tông, cứ nhà lá, cầu tre đơn giản và hài hòa với thiên nhiên là khách thích”, ông Dội khẳng định.
Trong rất nhiều cây lành trái ngọt đất Lái Thiêu, măng cụt là loại nổi bật nhất, trái chín có vị ngọt thanh, múi đều, vỏ mỏng. Măng cụt Lái Thiêu chỉ có một mùa bắt đầu từ tháng 5 và chín rộ trong nửa đầu tháng 6.
Ngay cả trái măng cụt xanh cũng có mùi thơm đặc trưng, vị chua nhẹ, không chát cho nên được người dân sáng tạo thành nhiều món ăn ngon lành, độc đáo. Chẳng hạn như gỏi gà măng cụt, món ăn không mới với người dân địa phương nhưng gần đây được quan tâm, tạo thành trào lưu thu hút du khách cả nước quan tâm và tìm đến.
Không chỉ được thư giãn trong không gian xanh, thưởng thức trái cây và món ngon bản địa, du khách còn có thêm nhiều kiến thức lý thú về cách chọn trái cây tươi ngon, mua trái cây đặc sản về làm quà. Sắp tới đây, sau vài năm tạm ngừng do dịch Covid-19, lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” - một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Bình Dương sẽ được tổ chức trở lại theo dự kiến từ ngày 22 đến 28/5 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách, góp phần tôn vinh, quảng bá trái cây cùng những nét đẹp đặc trưng trong đời sống cư dân vùng đất này.
Tiếp tục cung đường khám phá các miệt vườn trái cây lâu đời, du khách tìm đến tỉnh Tiền Giang để ghé thăm miệt vườn Cái Bè (huyện Cái Bè) hoặc miệt vườn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành). Nếu miệt vườn Cái Bè nổi tiếng với nhãn, mận (miền bắc gọi là quả roi), xoài cát... thì miệt vườn Vĩnh Kim có vú sữa Lò Rèn, cam mật, chôm chôm. Tiền Giang là vựa trái cây lớn của miền Tây Nam Bộ, đồng thời có chợ nổi Cái Bè - chợ đầu mối đậm đà văn hóa miền sông nước. Thức dậy từ tinh mơ để đi chợ nổi, rồi lên ghe nhỏ len lỏi qua những con rạch nhỏ xíu dưới vườn chôm chôm chín đỏ au, hay đạp xe thong thả trên đường làng yên bình rợp bóng cây... là những trải nghiệm được du khách đánh giá cao, trong đó có nhiều du khách quốc tế.
Hành trình du ngoạn miệt vườn cũng không thể thiếu Cần Thơ với vườn trái cây Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), nơi không chỉ tập hợp nhiều loại trái cây thơm ngon nức tiếng mà còn thường xuyên tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, trò chơi dân gian như đờn ca tài tử, câu cá sấu, đua heo... Còn nếu dừng chân ở tỉnh Bến Tre, miệt vườn Cái Mơn (huyện Chợ Lách) là tọa độ check-in hấp dẫn du khách với những hàng cây trái sum suê, nức tiếng nhất là bưởi da xanh ruột hồng Hai Hoa và sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa. Ngoài ra, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây còn phù hợp với nhiều giống hoa đa dạng, đẹp mắt như cẩm chướng, thược dược...
Những du khách vừa yêu thích trải nghiệm ẩm thực, vừa hứng thú với văn hóa làng nghề có thể chọn tỉnh Vĩnh Long với nhiều tour du lịch đa dạng về thời gian và trải nghiệm trong những ngày hè oi bức. Đó là thăm vườn trái cây Tam Bình (huyện Tam Bình) nổi tiếng với cam sành, thanh long, xoài, chôm chôm; hoặc đi tàu trên sông đến cù lao An Bình (huyện Long Hồ) để tận hưởng không khí nông thôn, tham gia câu cá, tát ao; hay tham quan và tập làm nghệ nhân các làng nghề gạch gốm Mang Thít, làng bánh tráng, đan thảm lục bình, tách vỏ hạt điều...
Du lịch miệt vườn gắn với mùa thu hoạch trái cây là loại hình chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định với những đặc điểm, yêu cầu riêng, song đều hướng đến những du khách yêu thiên nhiên và thích trải nghiệm văn hóa làng quê. Các công ty du lịch, lữ hành cần nắm bắt được nhu cầu và tận dụng lợi thế từng địa phương để đưa ra các tour du lịch có điểm nhấn cũng như sự kết nối vùng miền.
Còn đối với du khách đi theo hình thức tự túc, nên tìm hiểu cũng như đặt chỗ trước khi khởi hành trong mùa cao điểm để có chuyến đi thành công. Để đến mùa trái chín, khi dòng khách thập phương nô nức tham gia các lễ hội đầy sắc màu của hoa trái, thưởng thức cải lương hay đờn ca tài tử, chụp hình với áo bà ba và khăn rằn, giao lưu ẩm thực... cũng là lúc niềm vui đến với cả những người nông dân địa phương.