Du lịch chuyển đổi số: xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19

NDO -

Việc chuyển đổi số trong ngành du lịch đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới hiện nay, nhất là trong đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, xu hướng này không mới nhưng chưa thực sự diễn ra trên diện rộng để làm mới và vực dậy ngành “công nghiệp không khói” trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: T.LINH)
Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: T.LINH)

Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam” diễn ra sáng 30-9 tại Hà Nội đã thực sự giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiểu rõ hơn những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại với ngành du lịch.

Covid-19: “Cú hích” để du lịch chuyển đổi số

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trước tác hại to lớn do dịch Covid-19, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thúc đẩy du lịch phát triển trong bối cảnh này là bài toán khá khó khăn. Việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức diễn đàn này chính là đưa ra một hướng đi tìm tòi, giải pháp quan trọng để khôi phục và phát triển lại du lịch của đất nước theo hướng bền vững. Bởi chuyển đổi số chính là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch và cần được đẩy nhanh hơn sau tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Bối cảnh vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát. Và “chuyển đổi số một cách toàn diện là một phần của chiến lược này”.

Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trên hết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đại dịch Covid -19 là một “cú huých” mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, phải nhanh chóng triển khai chuyển số.

“Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”: xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19 -0
“Ban Tổ chức của Năm du lịch quốc gia Ninh Bình 2021 sẽ tận dụng việc chuyển đổi số này để làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, nội dung cũng như chương trình của năm du lịch quốc gia nhằm tạo ra năm du lịch quốc gia tốt nhất, thu hút du khách về Ninh Bình đông nhất và đạt hiệu quả như mong muốn của tỉnh”, bà Thanh nói. (Ảnh: T.LINH)

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho hay, Ninh Bình đã và đang sử dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch rất tốt. Một số các điểm đến như Hang Múa, vườn chim Thung Nham thực hiện việc chuyển đổi số từ rất sớm, sử dụng nhiều ứng dụng để quảng bá hình ảnh, sản phẩm thu hút du khách.

Thực tế công cụ này tiết kiệm được nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, quảng bá kịp thời hình ảnh, chất lượng và chương trình bán sản phẩm. Song, công cụ số không gây lo ngại về nguy cư dôi dư lao động. Lao động trong ngành du lịch là lao động trực tiếp, nhiều hơn quản trị nên. Do đó, chuyển đổi số trong du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch tiết kiệm chi phí marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư đào tạo cho nguồn lao động du lịch trực tiếp chất lượng cao.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế của du lịch toàn cầu, các đại diện một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook đã chia sẻ những kinh nghiệm và nhận định về khả năng triển khai chuyển đổi số của du lịch Việt Nam.

“Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”: xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19 -0
Bà Ánh Nguyệt trình bày tại Diễn đàn (Ảnh: T.LINH)

Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách công Việt Nam, Tập đoàn Facebook, khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam nửa cuối năm 2020 do Facebook thực hiện cho thấy:

86% người tiêu dùng Việt Nam có ý định tự thưởng cho bản thân (sau các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 bùng phát); 87% có ý định chia sẻ quà tặng cho người thân; Sau dịch Covid-19, du lịch và nghỉ dưỡng là ưu tiên lớn nhất của người tiêu dùng khi được hỏi về xu hướng dịch vụ.

Đáng chú ý, có tới 93% người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về “du lịch” qua Facebook.

Dựa trên kết quả này, bà Ánh Nguyệt cho rằng Facebook và các nền tảng số khác là tiềm năng để thúc đẩy du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số để tận dụng các nền tảng kỹ thuật trong lĩnh vực marketing, quảng bá sản phẩm du lịch của mình.

Kỳ vọng thúc đẩy chuyển đổi số

Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố. Các đại biểu diễn đàn đã bày tỏ suy nghĩ và kỳ vọng để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, vực dậy được các doanh nghiệp du lịch mà đa số trong đó “chỉ còn bộ khung” quản trị dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, định hướng vô cùng quan trọng với quá trình chuyển đổi số là quá trình chủ động tham gia của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

“Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”: xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19 -0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Tổng cục Du lịch đã và đang hợp tác chuyển đổi số với các đối tác nước ngoài như Google để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá các giá trị hình ảnh di sản, văn hóa Việt Nam trên các trang như ArtandCulture, trên Youtube... (Ảnh: T.LINH) 

Đối với doanh nghiệp, trước hết phải chuyển đổi số tất cả các sản phẩm giới thiệu điểm đến thành cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời triển khai những ứng dụng số để truyền tải những thông tin, số liệu đó đến với thị trường. Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) đang phát triển rất mạnh mẽ để tạo ra nhiều kênh, phương án, tiện ích, ứng dụng để tung ra thị trường những phương án kinh doanh mới.

Đối với người tiêu dùng, hiện khách du lịch đã và đang làm quen, có xu hướng sử dụng mạnh các sản phẩm thương mại điện tử trực tuyến, trải nghiệm qua hỗ trợ của công nghệ số.

Nhưng để quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, ông khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành du lịch có thêm các khuyến nghị với chính phủ để các doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”: xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19 -0
Diễn đàn này sẽ được thực hiện nối tiếp tại Hội chợ Du lịch VITM tổ chức từ ngày 18 – 21-11-2020 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. (Ảnh: T.LINH)

Tổng giám đốc công ty du lịch TravelLogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên chia sẻ: Do dịch Covid-19, một doanh nghiệp nhỏ và vừa như TravelLogy bị nhiều ảnh hưởng nhưng đại dịch giúp công ty nhận ra được những điểm yếu công nghệ về chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ 4.0 vô cùng hạn hẹp. Nhận thức được điều này nên ngay từ tháng 2-2020 TravelLogy đã chuyển đổi số ngay lập tức và đã lấy lại được phong độ.

Tuy nhiên, ông Tuyên cho rằng, để thu hút khách du lịch sau Covid-19 là một điều vô cùng khó khăn. Do đó, ông mong muốn chính phủ và các hiệp hội du lịch, các bộ ngành có thể trợ giúp cho các doanh nghiệp du lịch để chuyển đổi các công nghệ kỹ thuật số 4.0 nhưng theo một chiều hướng định hướng rõ ràng hơn, không chỉ là đầu tư về mặt tài chính.

Kỳ vọng được hỗ trợ để chuyển đổi số du lịch hiệu quả và thuận lợi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho hay, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng được hỗ trợ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực để các địa phương thực hiện tốt được kỹ thuật chuyển đổi số trong quản trị du lịch.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thể giới. Thiệt hại do dịch bệnh này là vô cùng to lớn cả về tính mạng con người và kinh tế thế giới, đặc biệt là du lịch. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 có thể làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1.000 tỷ USD cho du lịch toàn cầu trong năm 2020.

Với du lịch nước ta, theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, Covid-19 làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019; khách nội địa giảm 50%; khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.