Du lịch ASEAN cần thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19

NDO -

Trong bối cảnh Covid-19, số hóa và đổi mới giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, các quốc gia thành viên ASEAN cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới nhằm phát triển du lịch. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dự Hội nghị trực tuyến Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 53
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dự Hội nghị trực tuyến Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 53

Đây là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 53. Hội nghị được tổ chức trực tuyến do nước Chủ tịch ASEAN 2021 Campuchia chủ trì diễn ra sáng 2-2.

Tại hội nghị, các quốc gia đã tập trung xem xét báo cáo của bốn Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: (1) Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN, (2) Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN, (3) Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN, và (4) Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Cùng với đó, hội nghị cập nhật kết quả mới nhất việc triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025.

Hội nghị cho biết, Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với ba trụ cột chiến lược chính, bao gồm: (1) Xây dựng câu chuyện về thương hiệu du lịch Đông-Nam Á hấp dẫn hơn: Xác định mục tiêu của thương hiệu, đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung, xây dựng các video quảng bá… (2) Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp: Hướng đến các thị trường nói tiếng Anh gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Australia. (3) Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến quảng bá: Xây dựng chiến lược đẩy mạnh quảng bá qua mạng xã hội, tập trung vào quảng bá trên Facebook, Instagram.

Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2017. Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông-Bắc Á.

Chiến lược marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau Covid-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh Du lịch và Cơ quan Du lịch Quốc gia.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch khu vực đối mặt với những thách thức chưa từng có, các quốc gia trong khu vực cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung phát triển du lịch số. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Tuyên bố ASEAN về Du lịch số đã được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ngày 12-11-2020.

Tại hội nghị lần này, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu hy vọng rằng, các nước ASEAN sẽ hợp tác thực hiện hiệu quả Tuyên bố để tiếp tục thúc đẩy du lịch số, song song với việc mỗi quốc gia thành viên cũng chủ động xây dựng kế hoạch hành động của nước mình để tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới trong phát triển du lịch.

Việt Nam cũng là quốc gia chủ trì dự án Phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, đã thiết kế 14 tour tham quan chủ đề lễ hội kết nối điểm đến của các nước thành viên ASEAN. Dự kiến sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nước, sản phẩm sách mỏng giới thiệu về tour tham quan lễ hội ASEAN sẽ được hoàn thiện và công bố rộng rãi trên trang web chính thức của ASEAN.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng rà soát các nội dung phục vụ các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 24, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Ấn Độ lần thứ 8.

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân trong toàn khu vực”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra hai định hướng lớn, bao gồm: (1) Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và (2) Bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện, cùng định hướng thúc đẩy phát triển lao động nghề du lịch.