Dự án Luật Người khuyết tật mang đậm tính nhân văn

Cả nước hiện có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật). Bao gồm 29,41% khuyết tật vận động, 16,83% thần kinh, 13,84% thị giác, 9,32% thính giác, 7,08% ngôn ngữ, 6,52% trí tuệ và 17% các dạng tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích...

Nguyên nhân gây nên khuyết tật có tới 35,8% do bẩm sinh, 32,34% do bệnh tật, 25,56% do hậu quả chiến tranh, 3,49% do tai nạn lao động và 2,81% do các nguyên nhân khác. Dự báo trong nhiều năm tới số lượng người khuyết tật ở Việt Nam chưa giảm do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tai nạn giao thông và tai nạn lao động, hậu quả thiên tai…

Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo (cao gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo chung cùng thời điểm); 24% ở nhà tạm, 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động; 88,94% từ 16 chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề); 79,13% sống dựa vào gia đình, người thân...  Những khó khăn này cản trở người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. 

Hằng năm có gần một triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước (trợ cấp xã hội, trợ cấp thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh); hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...). Thực hiện chương trình phục hồi chức năng, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; có 260.000 trẻ em khuyết tật học hòa nhập ở các cơ sở giáo dục và 6.000 trẻ em khuyết tật học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt; 19.000 người khuyết tật được học nghề và bình quân mỗi năm có khoảng 10.000 người khuyết tật được giới thiệu việc làm thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội người mù, Hội người điếc, Hội người khuyết tật các tỉnh, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật, Hiệp hội  sản xuất, kinh doanh của người tàn tật...

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống hoặc chưa được thực hiện đầy đủ như: chưa xác định được hạng khuyết tật; người khuyết tật chưa được tạo điều kiện tiếp cận hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, giao thông công cộng; các doanh nghiệp chưa nhận đủ số lao động là người tàn tật theo quy định; quỹ việc làm người tàn tật, quỹ hỗ trợ người tàn tật chưa được các địa phương quan tâm thành lập; nguồn lực chưa được bảo đảm đủ, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, giám sát thực thi pháp luật... còn nhiều hạn chế, khiến hiệu quả thực hiện luật, pháp lệnh và các chính sách đối với người khuyết tật chưa cao, còn một số chính sách không khả thi trong cuộc sống. Việc ban hành Luật người khuyết tật cũng để bảo đảm tính hệ thống của chính sách pháp luật về người khuyết tật, bảo đảm sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký và sắp phê chuẩn.

Khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật

Thực tiễn 10 năm thực hiện quy định “bắt buộc doanh nghiệp nhận 2% lao động là người tàn tật” cho thấy khó có thể thực hiện được vì hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại khó bố trí những vị trí công việc trong dây chuyền phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Bên cạnh đó cũng có doanh nghiệp sẵn sàng nhận lao động là người khuyết tật, nhưng lại không tuyển đủ tỷ lệ 2% theo quy định vì thiếu người khuyết tật đáp ứng được công việc, nhất là ở vùng kinh tế trọng điểm, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Do vậy, Chính phủ đề nghị không quy định bắt buộc về việc sử dụng lao động là người khuyết tật vào làm việc trong các doanh nghiệp, mà quy định theo hướng có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật như trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề xã hội chưa tán thành vì thấy rằng, bảo đảm quyền lao động cho người khuyết tật là yếu tố cơ bản giúp họ hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, yêu cầu Ban soạn thảo cần có những đánh giá, phân tích sâu hơn về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng bất cập này cũng như làm rõ những căn cứ để sửa đổi quy định này trong dự thảo Luật theo hướng tăng thêm cơ hội cho người khuyết tật có được việc làm, được lao động.

Người khuyết tật phải được tiếp cận công trình công cộng

Dự thảo Luật buộc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trong việc phê duyệt thiết kế, tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệm thu các công trình xây mới, đưa vào sử dụng để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Đồng tình với đề xuất này, Ủy ban VĐXH nhận định quy định này còn tạo bước đột phá mới trong việc xóa bỏ rào cản về vật chất, xã hội đối với người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng của người khuyết tật trong tham gia các hoạt động xã hội để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.