Việt Nam tiếp tục đóng góp cho hòa bình và phát triển

Trả lời phỏng vấn tổ chức Geneva Geostrategic Observatory, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh thông điệp: Việt Nam mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Mai Phan Dũng. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Đại sứ Mai Phan Dũng. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

TTXVN dẫn nội dung trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ Tribune de Genève của Thụy Sĩ cho biết, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định, chủ nghĩa đa phương và hội nhập quốc tế là trọng tâm của ngoại giao Việt Nam. Luôn coi trọng các cơ chế, diễn đàn đa phương của Liên hợp quốc và WTO, Việt Nam đã chủ động tham gia các cuộc đàm phán đa phương tại Geneva, đặc biệt với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của mình. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia, mà còn tận dụng được các nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề chung, cũng như thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.

Đại sứ cho rằng, hệ thống đa phương được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ hai đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chiến tranh, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế vì sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế ngày nay đang thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống đa phương. Nhân loại đối mặt với những thách thức mới như khủng bố, nghèo đói, an ninh lương thực, dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu. Sự phát triển của nhiều quốc gia mới nổi làm thay đổi cán cân quyền lực. Các yếu tố như thiếu lòng tin, xu hướng bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc tăng cao và chính sách thực dụng cũng làm suy yếu hệ thống đa phương.

Trong bối cảnh đó, theo Đại sứ, việc cải cách hệ thống đa phương không chỉ cần thiết mà còn cấp bách. Cuộc cải cách này phải dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của mọi dân tộc. Cải cách phải thúc đẩy sự tham gia dân chủ và công bằng của các quốc gia trong tiến trình ra quyết định. Việc đánh giá toàn diện hệ thống đa phương, gồm các lĩnh vực an ninh, kinh tế, phát triển và tài chính, là điều cần thiết để giải quyết thách thức toàn cầu và tăng cường lợi ích chung của tất cả các quốc gia.