Nhìn lại quá khứ…
120 phút của chương trình không quá dài nhưng đủ mang đến cảm xúc trọn vẹn để hiểu được giá trị của hòa bình, thống nhất non sông khi nhìn lại nỗi đau chia cắt đất nước nơi Vĩ tuyến 17 hơn nửa thế kỷ trước.
Các khán giả có mặt tại hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô tối qua đã như được trở lại với thời gian hơn 50 năm trước, ở tại địa điểm lịch sử chứa nhiều đau thương, chia cắt với câu chuyện và những hình ảnh về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Không chỉ là sự chia cắt về giới tuyến mà còn là sự chia cắt số phận: Vợ xa chồng, con xa mẹ, anh em xa nhau bởi cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ trong lịch sử đất nước.
Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt luôn sáng lên những câu chuyện thấm đẫm tình yêu. Đó là đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau ngày đất nước giải phóng, là câu chuyện về những người lính ở hai bên chiến tuyến buông bỏ hận thù, giúp đỡ và gắn bó với nhau trong tinh thần hòa hợp, vượt qua chia cắt.
Nhiều người không giấu nổi cảm xúc khi nghe câu chuyện của Thiếu tá Đào Chí Thành - người cựu binh đã xếp bút nghiên lên đường vào Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ông kể lại: “Một đêm tháng 7/1972, chúng tôi vượt sông Thạch Hãn vào Quảng Trị. Balo, súng đạn gói trong túi nilon. Sang tới bờ Nam, cảnh tượng rất tàn khốc. Con đường ven sông loang lổ, lỗ chỗ vết pháo đạn. Các cành cây hai bên khẳng khiu, đen xạm. Trên trời bùm bụp pháo sáng.
Sáng hôm sau, pháo kích bắt đầu dồn dập, chát chúa cả ngày. Tiếng nổ làm cả thành cổ rung lên bần bật, bụi khói lùa cả vào hầm. Máy bay địch bay nhức óc trên đầu và ném bom rất rát…”
Suốt 50 ngày đêm tiếp theo, chàng lính trẻ vốn là cựu sinh viên khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng đồng đội đã căng mình lên chiến đấu trong quyết tâm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nửa thế kỷ sau, khi nhìn lại, ký ức của ông về những năm tháng đó ngỡ như còn nguyên vẹn. Ông bảo, điều khiến ông nhớ nhất có lẽ là tình bạn đặc biệt với người lính bên kia chiến tuyến.
“Tôi có tình bạn rất đẹp và đặc biệt với Nguyễn Thanh Quang, Toán Trưởng toán Khinh binh Việt Nam Cộng hòa tham chiến tại chiến trường Quảng Trị. Chúng tôi gặp nhau đầu tiên tại giao lưu "Quảng Trị sáng mãi niềm tin chiến thắng" năm 2012. Ngay từ cái bắt tay đầu tiên, tôi có cảm giác đặc biệt bởi chúng tôi đều là lính chiến thực thụ. Có lẽ vì đều là người Việt Nam nên tình bạn cứ thế phát triển. Tôi giúp bạn mình thu xếp việc cho con trai. Cưới con Quang tôi cũng vào tận La Gi, Bình Thuận. Điều ấy làm gia đình Quang rất vui.
Sau này Quang nói với tôi: "Thành ơi, bây giờ chúng mình là bạn của nhau rồi. Nếu kẻ thù một lần nữa xâm phạm bờ cõi, chúng ta sẽ cùng xách súng lên đường”. Tôi liền nói với Quang: “Lần này chúng ta sẽ ở chung một chiến hào”.
Đối với những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có mặt tại chương trình, câu chuyện của cảm động của cựu chiến binh Đào Chí Thành đã mang đến cho họ nhiều điều suy ngẫm. Tấn Tú (sinh viên khoa Sử) chia sẻ: “Cảm xúc của tất cả chúng em rất khó tả. Qua những lời kể của bác Thành, chúng em không chỉ hiểu thêm về cuộc chiến đấu của cha, anh mà còn thấm thía hơn khát vọng hòa bình và tinh thần hòa hợp, cùng hướng tới tương lai”.
Em Trương Thị Lê Vy (sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) nói: "Trong chương trình ngày hôm nay, em ấn tượng nhất với câu chuyện về tình bạn giữa hai người lính ở hai bên chiến tuyến, một câu chuyện thực sự rất cảm động. Từ những câu chuyện, những cảm xúc hết sức chân thật và lắng đọng có được ngày hôm nay, em dường như cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình với đất nước, mong muốn và quyết tâm phấn đấu nhiều hơn vì Tổ quốc mà để có được ngày hôm nay chính là nhờ sự hy sinh to lớn của lớp lớp cha ông".
… để hướng tới tương lai
Các phóng sự về tình cảm của những người con xa xứ từ mọi miền thế giới gửi về đất mẹ Việt Nam được ekip sản xuất thực hiện công phu là một điểm nhấn đặc biệt của chương trình "Chung một dòng sông". Câu chuyện của doanh nhân Vũ Văn Lê - một trong những người đầu tiên rời khỏi đất nước sau mùa xuân 1975 khiến nhiều người cảm phục. Sau hàng chục năm xa Tổ quốc, với nỗ lực góp phần lưu giữ văn hóa đất nước qua 4.000 năm lịch sử, ông Lê ngày ngày gom góp, sưu tập lại cổ vật Việt Nam đang lưu lạc khắp thế giới.
Thông điệp hòa hợp dân tộc còn được thể hiện rõ qua câu chuyện của luật sư Hoàng Huy Hùng - một trí thức hải ngoại đã thay đổi lập trường, trở thành người ủng hộ chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dẫn mạch suy tưởng từ quá khứ về tới tương lai, nhà báo, nhà thơ Hữu Việt tự sự: “50 năm qua, đã có bao lớp người Việt sinh ra, lớn lên. Dĩ nhiên, họ khác các thế hệ trước nhiều lắm. Khác từ cách ăn mặc, tư duy, khác về cách lập nghiệp nhưng có chung khí chất của những “công dân toàn cầu”. Họ biết về quá khứ, nhưng họ không vướng bận bởi gánh nặng quá khứ. Trong huyết quản họ chung dòng máu Việt, là máu thịt của dân tộc này... Những người Việt Nam trẻ trung, năng động, hòa nhập cùng thế giới, mang trong mình tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm với tương lai đất nước".
Điểm nhấn đặc biệt của “Chung một dòng sông” là sự sắp xếp các tiết mục nghệ thuật đầy ẩn ý của ekip sản xuất. Nếu như ở phần đầu, khán giả được đắm chìm trong miền ký ức với hoạt cảnh Giai điệu Tổ quốc, với Câu hò bên bờ Hiền Lương và hai ca khúc Tình ca bất hủ đầy khắc khoải, da diết nhớ thuơng của tác giả Hoàng Việt và Phạm Duy, thì qua 4 trục nội dung còn lại, “màu nhạc” được đẩy lên tươi sáng hơn với Quê hương, Thương ca Tiếng Việt, Bonjour Việt Nam, Quê hương Việt Nam. Ở đó, Bài ca hy vọng của cố nhạc sĩ Văn Ký như một chỉ dấu lạc quan mà các đạo diễn “cài cắm” để mở ra câu chuyện về tương lai của niềm vui và hy vọng.
Đặc biệt nhất, với thông điệp “Chung một dòng sông, chung một tiếng nói”, tổ sản xuất đã tái hiện lại bài thơ Tiếng Việt của thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ trên sân khấu qua giọng đọc NSƯT Lê Chức.
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về...
Sau buổi biểu diễn, NSƯT Lê Chức vẫn chưa hết bồi hồi: “Gia đình tôi là gia đình quân nhân. Bố tôi nhập ngũ năm 1946 sau đó đi kháng chiến 9 năm trên chiến khu Việt Bắc. Lớp tôi có 5 liệt sĩ, trong đó 3 người cho đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt. Chúng tôi mắc nợ với thế hệ cha anh qua hai cuộc kháng chiến".
NSƯT Lê Chức cho biết: "Tôi với Quảng Trị lại vô cùng gắn bó. Tôi đã đọc lời tế, mời anh em liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn trở về. Tôi cũng có 2 lần vào Thành cổ và nhiều lần đọc lời bình cho các phim, chương trình về vùng đất lửa anh hùng này. Mối duyên đó có lẽ cũng chính là nguyên nhân chính khiến tôi tham gia chương trình "Chung một dòng sông".
Tôi rất xúc động với chương trình. Ở đây, chúng ta được sống lại với Quảng Trị ngày hôm qua để hòa với Quảng Trị của ngày hôm nay. Đây là chương trình làm cho Quảng Trị nhưng cũng là món quà dành cho tất cả Việt Nam trong khát vọng hòa bình.”
Cùng có chung niềm xúc động, nhà báo, nhà thơ Hữu Việt – người đóng vai trò dẫn chuyện xuyên suốt chương trình chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi được mời tham gia với vai trò người suy tưởng trong chương trình Chung một dòng sông. Đó là lần đầu tiên tôi được ở trên cầu Hiền Lương lâu nhất. Cũng rất đặc biệt khi tôi được bơi thuyền qua sông Bến Hải – hành trình tôi chỉ mất 2-3 phút nhưng dân tộc ta đã mất đến 20 năm để nối được đôi bờ. Ngày hôm nay, tôi rất cảm động, tôi như được sống lại những ngày đã qua tại mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Đã có một thời, nhiều người trong chúng ta đã quên rằng Quảng trị rất đẹp. Nhưng tôi tin rằng, với những tài nguyên thiên nhiên, con người và đặc biệt phát huy sức bật từ quá khứ, Quảng Trị sẽ phát triển xứng đáng với tiềm năng của mình”.
Bác Nguyễn Hoàng Lan (78 tuổi đến từ Hà Nội): Là một người con Quảng Trị xa quê, tôi vô cùng xúc động khi xem chương trình hôm nay. Vợ chồng tôi như được sống lại thời tuổi trẻ trên mảnh đất quê hương. Đó là quãng thời gian thực sự khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng đẹp đẽ. Cảm ơn Báo Nhân Dân đã cho chúng tôi được hồi tưởng và tự hào về mảnh đất quê hương Quảng Trị. Hoàng Ngọc Khánh (Học viên Trường Học viện kỹ thuật quân sự): Chương trình ngày hôm nay rất ý nghĩa, rất hay và cảm động. Thực sự, hình ảnh người lính cùng những hy sinh mất mát, những câu chuyện cảm động được tái hiện, được kể lại trong chương trình ngày hôm nay đã khiến em suýt khóc. Từ câu chuyện về những người lính năm xưa, em cảm thấy tự hào vô cùng bởi mình cũng đang là một người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam . Em tự hứa với lòng nhất định sẽ phát huy truyền thống hào hùng ấy của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Trần Hoài Nam (Sinh viên năm cuối Nhạc viện Hà Nội – diễn viên tham gia biểu diễn trong chương trình): Ngay từ khi ngồi trong cánh gà, được xem nhưng tiết mục biểu diễn, những hoạt cảnh, những câu chuyện trong chương trình ngày hôm nay, em cảm thấy rất xúc động, nhất là những tiết mục, câu chuyện kể về sự hy sinh của người lính năm xưa. Em cũng rất tự hào khi được tham gia biểu diễn, được góp phần kể lại những câu chuyện đầy cảm động đó. Nếu có cơ hội, em rất mong muốn và sẵn sàng được tham gia những chương trình đầy ý nghĩa như thế này. |