Đồng USD giảm khiến giá kim loại thế giới tăng

NDO - Nhóm kim loại đóng góp chính vào tăng trưởng chung của toàn thị trường hàng hóa ngày 22/8 với 9 trên 10 mặt hàng đóng cửa tăng giá. 
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến giá phân hóa trong ngày hôm qua (22/8) khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,22% xuống 2.237 điểm.

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng mạnh mẽ. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 25%, đạt gần 5.800 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi trở lại đây. Trong đó, nhóm nông sản và năng lượng chiếm đến gần 60% tổng khối lượng giao dịch kể trên.

Đồng USD giảm khiến giá kim loại thế giới tăng ảnh 1

Nhóm kim loại đóng góp chính vào tăng trưởng chung của toàn thị trường hàng hóa ngày 22/8 với 9 trên 10 mặt hàng đóng cửa tăng giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 1,31% lên 925,5 USD/ounce. Giá bạc tăng 0,47% chốt phiên tại mức 23,45 USD/ounce nhờ sự suy yếu của đồng USD làm giảm chi phí giao dịch.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp khi tăng 1,04%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá đồng trong vòng hơn 3 tuần. Lo ngại nguồn cung đồng bị thu hẹp là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng tăng tốt trong phiên hôm qua.

Cụ thể, theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) công bố ngày 22/08, thị trường đồng tinh luyện toàn cầu thâm hụt 90.000 tấn trong tháng 6, tăng so với mức thâm hụt 58.000 tấn trong tháng 5.

Trên thị trường quặng sắt, triển vọng tiêu thụ quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép khởi sắc hơn đã giúp giá quặng sắt bật tăng 3,03% lên 110,68 USD/tấn, mức cao nhất trong hơn 3 tuần.

Đồng USD giảm khiến giá kim loại thế giới tăng ảnh 2

Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel) công bố vào ngày 22/8, tổng sản lượng thép thô trên toàn cầu đạt 158,5 triệu tấn trong tháng 7, tăng 6,6% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, tổng sản lượng thép đạt 90,8 triệu tấn trong tháng 7, tăng 11,5% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thép của Trung Quốc đạt 626,5 triệu tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, trong khi tiêu thụ có dấu hiệu tích cực tại Trung Quốc thì mức tồn kho quặng sắt đang ở mức thấp, điều này đã củng cố cho đà tăng của giá. Tính đến ngày 11/8, sản lượng quặng sắt nhập khẩu dự trữ tại các cảng của Trung Quốc ở mức 116,5 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2020, theo dữ liệu của SteelHome.

Trên thị trường nội địa, ngày 23/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hạ mạnh giá thép lần thứ 16 liên tiếp. Cụ thể, giá thép miền bắc đối với thép cuộn CB240 giảm 410.000 đồng/tấn xuống còn 13,53 triệu đồng/tấn. Giá thép cây D10 CB300 cũng giảm mạnh 300.000 đồng/tấn xuống còn 13,74 triệu đồng/tấn. Đây là một trong những đợt điều chỉnh giảm sâu nhất trong nhiều lần điều chỉnh giảm gần đây.

MXV cho biết, quý III thường là giai đoạn tiêu thụ thấp trong năm do mùa mưa và tính chất tháng 7 âm lịch có rất ít công trình xây dựng dân dụng được khởi công. Các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất-bán hàng.

Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện, tuy nhiên, mức độ phục hồi không quá nhiều.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm các loại trong tháng 7 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 6,7% so cùng kỳ. Ở chiều tiêu thụ đạt 2,18 triệu tấn, tăng nhẹ 0,8% so tháng 6 và tăng 9,4% so cùng kỳ.

Riêng đối với mặt hàng thép xây dựng (chiếm khoảng một nửa tỷ trọng) vẫn chưa có quá nhiều tín hiệu phục hồi rõ nét khi bán hàng giảm 6% so tháng 6 và giảm 18% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu giảm sâu 30% so tháng 7/2022 xuống 105.000 tấn.