Dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường hàng hóa ngày đầu năm mới

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), quay lại giao dịch sau ngày nghỉ Tết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa trong sắc xanh. Đáng chú ý, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đều tăng giá, nổi bật là dầu thô với 4 phiên tăng liên tiếp dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường. Trong khi đó, thị trường kim loại diễn biến trái chiều, nổi bật là nhóm kim loại quý với giá bạc và bạch kim tăng mạnh. Kết phiên, chỉ số MXV-Index tăng 0,62% lên 2.225 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: HÀ ANH
Ảnh: HÀ ANH

Năng lượng dẫn dắt đà tăng của thị trường

Lực mua mạnh mẽ trên thị trường năng lượng trong ngày hôm qua. Toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô đã có phiên thứ tư tăng liên tiếp. Nguyên nhân thúc đẩy đến từ dữ liệu tồn kho dầu Mỹ tiếp tục giảm và kỳ vọng về nhu cầu từ Trung Quốc.

Khép lại phiên hôm qua, giá dầu WTI tăng 1,97% lên 73,13 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 1,73% lên 75,93 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên diễn biến giằng co và đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường hàng hóa ngày đầu năm mới ảnh 1

Theo báo cáo hằng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27/12 đạt 415,6 triệu thùng, giảm 1,18 triệu thùng so với tuần trước. Mức giảm này thấp hơn so với mức giảm 1,44 triệu thùng do Viện Dầu khí Mỹ đưa ra và mức kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, đây là tuần thứ 6 liên tiếp tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm, phản ánh nhu cầu duy trì ở mức cao và hỗ trợ tích cực cho giá.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu năm mới cho biết tăng trưởng GDP năm 2025 của nước này dự kiến đạt mục tiêu 5%. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều chính sách chủ động hơn để thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025, trong bối cảnh nước này đã và đang áp dụng các biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển chất lượng cao. Trước thông tin này, các nhà đầu tư đang thận trọng quan sát, đánh giá về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu sau cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, thị trường lao động Mỹ cũng phát đi tín hiệu tích cực khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu là 211.000, giảm 9.000 so với tuần trước và thấp hơn mức kỳ vọng 221.000 của giới phân tích, đồng thời là mức thấp nhất trong 8 tháng. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ bởi trong suốt ba năm qua, thị trường lao động là nhân tố thúc đẩy tiêu dùng, và tiêu dùng mạnh đã giữ nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế của nước này.

Thị trường kim loại diễn biến phân hóa sau nghỉ Tết Dương lịch

Theo MXV, quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Dương lịch, các mặt hàng kim loại phân hóa rõ nét, bảng giá chia hai nửa xanh đỏ. Cụ thể, trong nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim tăng ấn tượng lên mức 29,9 USD/ounce và 922,4 USD/ounce.

Dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường hàng hóa ngày đầu năm mới ảnh 2

Thị trường kim loại quý đang nhận được lực mua tích cực. Bên cạnh đó, việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với căng thẳng địa chính trị dai dẳng ở nhiều khu vực, bao gồm các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kyiv ngày hôm qua, đã thúc đẩy nhu cầu mua các mặt hàng trú ẩn trong ngắn hạn.

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng COMEX gần như đi ngang so với mức tham chiếu sau khi trải qua một phiên giao dịch tương đối giằng co. Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tăng khoảng 0,4% lên gần 101 USD/tấn khi thị trường phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát tư nhân Caixin, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc đạt 50,5 điểm trong tháng 12, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này ở lãnh thổ mở rộng. Trước đó, số liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê nước này cũng đưa ra kết quả lạc quan tương tự, thể hiện qua chỉ số PMI đạt 50,1 điểm.

Bên cạnh đó, lực mua quặng sắt cũng được kích hoạt sau khi giới chuyên gia đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tiêu thụ. Các nhà xuất khẩu và nhà phân tích cho biết, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu khoảng 70% quặng sắt toàn cầu, có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2025 khi các thương nhân dự trữ quặng giá rẻ, bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tiếp tục đè nặng lên nhu cầu thép tại nước này.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép quan trọng của Trung Quốc có thể sẽ tăng từ 10 triệu đến 40 triệu tấn lên tới 1,27 tỷ tấn trong năm nay, vượt qua những dự báo trước đây. Dữ liệu trước đó đã cho thấy nước này đã nhập khẩu 1,12 tỷ tấn quặng sắt trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.