Đồng Nai đã làm được rất nhiều việc
Dân số tỉnh Ðồng Nai hiện vào khoảng hơn 3,2 triệu người. Bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, cả hệ thống chính trị trên địa bàn Ðồng Nai luôn chú trọng nhất quán tinh thần này trong chiến lược phát triển, thông qua những hành động chăm chút thiết thực, nhân văn.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 148,9 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 0,1%. Lũy kế đến cuối năm 2024, Ðồng Nai có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ba huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, tăng trưởng kinh tế có bước chuyển dịch sang chiều sâu. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội đạt được những kết quả quan trọng.
Nguồn lực cộng đồng được huy động để thực hiện công tác an sinh xã hội tại tỉnh Ðồng Nai năm 2024 đạt gần 1.000 tỷ đồng. Nổi bật gần đây là các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ cho gia đình chính sách, công nhân lao động, đồng bào nghèo được cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp ở Ðồng Nai thực hiện chu đáo, rộng khắp. Riêng hệ thống công đoàn đã chi khoảng 450 tỷ đồng để chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.
Tạo điều kiện cho phần lớn người dân tiếp cận, thụ hưởng trực tiếp các cơ hội, thành quả đổi mới, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo cũng là mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh hiện nay.
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, năm 2025, Ðồng Nai đặt mục tiêu về đích nhiều chương trình như: Thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; phấn đấu trước ngày 30/4, gia đình chính sách, người có công có nhà ở đàng hoàng, có mức sống trên trung bình; trẻ em có điều kiện đến trường; người dân có vốn để làm ăn…
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ðồng Nai Cao Văn Quang cho biết, năm 2025 này, dưới sự định hướng của Trung ương và lãnh đạo của Tỉnh ủy, hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở tập trung kêu gọi xóa nhà tạm, nhà dột nát, thực hiện tốt công việc hỗ trợ các gia đình chính sách, thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Cùng với đó, khơi dậy mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhằm chung tay nâng cao đời sống người dân về mọi mặt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng, gần 40 năm qua trong quá trình đổi mới, Ðồng Nai đạt được thành tựu rất quan trọng: GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 6.000 USD, trong khi cả nước còn dưới 5.000 USD; xây dựng nông thôn mới cũng là một điểm sáng.
"Tôi cho rằng Ðồng Nai đã làm được rất nhiều việc. Và những mục tiêu mà đất nước đặt ra, tôi nghĩ là Ðồng Nai bằng sự nỗ lực và lợi thế của mình, sẽ có điều kiện phát triển. Chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tôi thấy Ðồng Nai có nhiều yếu tố đã sẵn sàng cho sự bứt phá đó" - ông Dũng nhận định.
Ðáng quan tâm trong số những mặt hạn chế nổi lên được chính quyền tỉnh nhìn nhận, đó là kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế. An ninh, trật tự vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo (chủ yếu là đất đai) kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm. Việc xây dựng nhà ở xã hội còn chậm so với kế hoạch...
Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng gợi mở, phát triển kinh tế thì Ðồng Nai đã phát triển và tiếp tục sẽ phát triển nữa những đột phá theo tinh thần của Ðảng, vấn đề còn lại là cố gắng giữ an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
Vì an sinh xã hội làm cho xã hội ổn định, nâng cao đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn. "Tôi nghĩ rằng, với những chương trình cụ thể về an sinh xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp là vấn đề cần quan tâm. Phải đi vào những cái nhỏ nhất nhằm bảo đảm những nhu cầu trước hết là tối thiểu của người dân, từ đó nâng lên" - ông Dũng đề xuất.
Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai quyết tâm đưa tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 158,7 triệu đồng/người trong năm 2025. Tỉnh sẽ thường xuyên quan tâm tạo chuyển biến các chỉ tiêu về môi trường nhằm duy trì không gian trong lành cho người dân ở địa bàn thủ phủ công nghiệp, đồng thời tiếp tục nỗ lực nâng chất hàng loạt chỉ tiêu về xã hội, giáo dục-đào tạo liên quan trực tiếp đến kết quả nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất tám xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ba huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao, một huyện hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu; giảm 15% số hộ nghèo trên tổng số hộ nghèo A; bảo đảm tỷ lệ 10 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; hoàn thành và đưa vào sử dụng 98 căn nhà ở xã hội; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt chuẩn ở đô thị đạt hơn 90%, ở nông thôn hơn 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 70%.
Theo Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Viên Hồng Tiến, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nội dung nghị quyết năm 2025, các đơn vị, địa phương rà soát thật kỹ việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hút, hỗ trợ giáo viên và đội ngũ cán bộ y tế. Việc đánh giá hiệu quả nghị quyết đi vào cuộc sống là cơ sở để đưa ra giải pháp tối ưu hơn cho thời gian tới.
"Tập trung cao nhất cho nhiệm vụ cùng với Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh quyết tâm xây dựng Ðồng Nai phát triển văn minh, hiện đại; củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, xây dựng xã hội an toàn lành mạnh và các tầng lớp nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc" cũng là thông điệp của Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Vũ Hồng Văn phát biểu nhận trọng trách người đứng đầu đảng bộ tỉnh mới đây.