Đồng Nai là địa phương sử dụng điện nhiều thứ ba cả nước và dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới cho nên việc các dự án truyền tải điện triển khai chậm sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.500 MW. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Theo Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, đến nay, Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 đã thi công ước khối lượng đạt hơn 72% so với hợp đồng đã ký kết. Dự kiến, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thương mại vào giữa tháng 11/2024 và Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 phát điện thương mại vào tháng 5/2025.
Để giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, các dự án đường dây 220kV Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3-TBA 500 kV Long Thành, TBA 220 kV khu công nghiệp Nhơn Trạch và đấu nối; đường dây 220 kV Nhơn Trạch 3-rẽ Mỹ Xuân-Cát Lái; đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ-Nhà Bè sẽ phải hoàn thành chậm nhất vào tháng 6/2024. Thế nhưng, tiến độ triển khai các dự án đường dây này đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án điện Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam Lê Bá Quý cho biết, các dự án đường dây thực hiện chậm sẽ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm tiến độ cấp điện thử và giải tỏa công suất cho các Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4. Đối với Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, hiện tại đã có phương án đi nhờ đường dây để phát điện tạm.
Tuy nhiên, với Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 khi đưa vào hoạt động không thể đi nhờ được và có thể phải dừng hoạt động. Do đó, kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đường dây 220 kV để bảo đảm tiến độ cấp điện thử nghiệm, giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 khi phát điện thương mại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có hàng loạt dự án lưới điện truyền tải đang chậm tiến độ, nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện thời gian tới. Đơn cử, Dự án xây mới trạm biến áp 500 kV Long Thành khởi công tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn bảy vị trí móng trụ chưa được bàn giao mặt bằng. Trước tình trạng này, chủ đầu tư dự án kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Long Thành đẩy nhanh việc phê duyệt phương án bồi thường đối với 85 trường hợp còn lại. Tương tự, Dự án trạm biến áp 110 kV Giang Điền tại huyện Trảng Bom khởi công từ năm 2016 nhưng do vướng mặt bằng thi công một số móng trụ, đến thời điểm này vẫn chưa thể đấu nối đưa vào vận hành.
Ngoài ra, nhiều dự án truyền tải điện khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, chồng lấn quy hoạch.
Phối hợp tháo gỡ vướng mắc
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Đồng Nai là địa phương có lượng sử dụng điện đứng thứ ba cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện, tổng công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh là 2.700 MW, trong đó, công suất cực đại năm 2023 đạt 2.317 MW.
Theo phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì nhu cầu công suất đến năm 2025 của tỉnh Đồng Nai là 3.100 MW. Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, cần bổ sung thêm nguồn, trạm 500 kV, 220 kV mới và lưới điện phân phối đồng bộ.
Thời gian qua, ngành điện đã và đang đầu tư thêm các dự án nguồn cấp, truyền tải để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiều công trình, dự án đang gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ, rất cần được tỉnh Đồng Nai phối hợp để tháo gỡ.
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, qua rà soát nhiều công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy hoạch phần lớn không được cập nhật lên bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương. Điều này dẫn đến việc triển khai thỏa thuận hướng tuyến đường dây các công trình theo quy hoạch đã được duyệt kéo dài. Một số dự án phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch, điều chỉnh hướng tuyến, điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của địa phương để tránh chồng lấn với quy hoạch các dự án hạ tầng khác.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các dự án gặp rất nhiều khó khăn do các hộ dân bị ảnh hưởng không chấp thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành và phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền địa phương phê duyệt. Việc một số dự án có thời gian thực hiện kéo dài do vướng công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến hết hiệp định cho vay, nhà tài trợ chấm dứt hợp đồng tài trợ, khiến ngành điện gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh thời gian tới rất lớn khi các công trình, dự án trọng điểm quốc gia hoàn thành, đi vào hoạt động và phát triển thêm các khu công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt.
Do vậy, để sớm đưa các công trình điện vào vận hành, bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với EVN và chủ đầu tư từng dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; đồng thời, hỗ trợ cho chủ đầu tư các công trình điện cập nhật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, trong Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai chỉ xác định danh mục các công trình điện, chưa xác định chính xác vị trí trạm biến áp, trụ, hướng tuyến đường dây sẽ dẫn đến việc chồng chéo quy hoạch tại địa phương. Do vậy, tỉnh Đồng Nai đề nghị EVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến các công trình điện trước để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của tỉnh.
Riêng đối với các công trình đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị EVN báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực xin chủ trương cho phép triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất huyện Nhơn Trạch, đồng thời với việc trình điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch.