Hiện, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tìm các giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn, tăng sức cạnh tranh cho các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sân bay Long Thành và các dự án giao thông trọng điểm đưa vào khai thác thời gian tới.
10 khu công nghiệp vướng mặt bằng
Tỉnh Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 10.500 héc-ta, trong đó 31 khu công nghiệp đang hoạt động diện tích đất cho thuê đạt hơn 85%.
Các khu công nghiệp thu hút nhà đầu tư đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ với 2.074 dự án, tổng số vốn đầu tư nước ngoài hơn 29,2 tỷ USD và hơn 75 nghìn tỷ đồng vốn trong nước. Trong 7 tháng năm 2023, các dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn vào các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đạt gần 800 triệu USD và hơn 2.206 tỷ đồng đầu tư trong nước.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Dương Thị Xuân Nương, hiện nay có đến 10 khu công nghiệp đang hoạt động vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 820 héc-ta.
Trong đó, 3 khu công nghiệp vướng mặt bằng nhiều nhất, gồm: Sông Mây gần 260 héc-ta; Ông Kèo 204 héc-ta và Hố Nai hơn 110 héc-ta. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, vì cho rằng giá bồi thường thấp và chưa bố trí được các lô tái định cư sau khi thu hồi đất.
Tổng diện tích đất có thể cho thuê còn lại trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 200 héc-ta cho nên không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới muốn đầu tư vào Đồng Nai trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, tiến độ lập thủ tục, hồ sơ để thành lập các khu công nghiệp mới đã được phê duyệt dù được địa phương gấp rút thực hiện, nhưng đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Điều này, dẫn đến từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Đồng Nai chỉ thu hút được 6 dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên, trung bình chỉ 5,84 triệu USD/ha/suất.
Theo ông Ishii Hiroyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức, chủ đầu tư khu công nghiệp Long Đức, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Nai không có thêm khu công nghiệp mới nào được thành lập.
Đây là điều mà nhà đầu nước ngoài như chúng tôi rất quan tâm, bởi lẽ nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư quy mô lớn vào Đồng Nai nhưng không còn diện tích đất để thuê.
Một tín hiệu khả quan là vừa qua tỉnh Đồng Nai đã được chấp thuận thành lập một khu công nghiệp mới và đang làm thủ tục hồ sơ để lập thêm 4 khu công nghiệp khác.
So với một số tỉnh lân cận, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển khu công nghiệp, từ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng. Vấn đề ở chỗ, tỉnh Đồng Nai cần phát huy những điểm mạnh để đón nhà đầu tư; đồng thời, chú trọng chuỗi liên kết ngành trong tỉnh, thậm chí trong mỗi khu công nghiệp.
Xử lý rốt ráo các vướng mắc
Có thể nói, hạ tầng kết nối giao thông ở nhiều khu công nghiệp tại Đồng Nai đang thật sự là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Phó Tổng giám đốc Công ty phát triển khu công nghiệp Long Bình Nguyễn Công Bình cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến tìm hiểu rất quan tâm đến hạ tầng kết nối.
Trong khi tại khu công nghiệp Long Bình lâu nay kết nối giao thông được cho là điểm yếu cố hữu, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở khu vực cổng khu công nghiệp tiếp giáp với đường Bùi Văn Hòa, ảnh hưởng rất lớn việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Do vậy, các ngành chức năng cần tính toán quy hoạch đồng bộ, nhất là các trục giao thông kết nối với khu công nghiệp.
Ngoài ra, phải tạo mối liên kết giữa các khu công nghiệp, vì mỗi khu có một thế mạnh, ngành nghề khác nhau. Để làm được điều này, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cần tăng cường gắn kết, giới thiệu cho nhà đầu tư để cùng đồng hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành Thái Hoàng Nam cho rằng, Đồng Nai có rất nhiều thuận lợi với nhiều trục giao thông trọng điểm quốc gia đi qua.
Thế nhưng việc kết nối từ khu công nghiệp vào các trục giao thông chưa thật sự đồng bộ. Cùng với đó, việc đầu tư hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp chưa tương xứng, dẫn đến gián tiếp đánh mất cơ hội thu hút đầu tư. Đơn cử, như Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2015. Dự kiến, đến quý II/2024, dự án sẽ đi vào hoạt động nhưng đến nay việc kết nối giao thông vẫn chắp vá.
Trong khi đó, việc giá cho thuê đất tăng đột ngột hằng năm cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, trong giai đoạn từ 2019-2024, giá thuê đất của khu công nghiệp bình quân mỗi năm khoảng 2.000 đồng/m2.
Tuy nhiên, theo cách tính hiện nay, giá thuê đất bình quân mỗi năm đối với khu công nghiệp mới và lân cận từ 35.000-40.000 đồng/m2. Như vậy, sau 5 năm, giá thuê đất tăng từ 15-20 lần.
Về phía doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải trả tiền thuê đất, nhưng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư. Bởi lẽ, việc thay đổi quá đột ngột một lúc mức giá tiền thuê đất trả hằng năm. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cần tính toán giá cho thuê đất phù hợp, nhất trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Tại buổi đối thoại nhằm tìm giải pháp xử lý các vướng mắc của các khu công nghiệp trên địa bàn cách đây ít ngày, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp cận, xử lý rốt ráo những khó khăn của nhà đầu tư.
Sau một tháng phải báo cáo kết quả tiến độ xử lý cho lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, cho rằng, tỉnh Đồng Nai không còn quỹ đất lớn để đón nhà đầu tư thứ cấp. Mặc dù, đã quy hoạch thêm các khu công nghiệp mới, nhưng đây có thể coi là chậm trễ. Do vậy, trước mắt cần tập trung xử lý vướng mắc mặt bằng ở 10 khu công nghiệp đang gặp phải.