Đây chính là lực lượng tại chỗ rất quan trọng, nhằm kịp thời ứng phó, xử lý khi có tình huống đột xuất xảy ra, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, với một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp mà lực lượng tự vệ xây dựng trong doanh nghiệp mới chỉ đạt 58% là thấp, cho nên cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy hơn nữa.
Khi doanh nghiệp có lực lượng tự vệ
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trảng Bom phối hợp Công ty cổ phần Thống Nhất vừa công bố quyết định thành lập Tiểu đội tự vệ. Mục đích giúp doanh nghiệp có lực lượng tại chỗ để sẵn sàng xử lý những tình huống phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động ứng biến với tình huống bất lợi có thể xảy ra, nhất là có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự tại doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thống Nhất: “Việc thành lập đơn vị tự vệ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn tạo môi trường làm việc ổn định và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Công ty sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Tiểu đội tự vệ hoạt động và bảo đảm các chế độ chính sách cho lực lượng tự vệ công ty đúng theo Luật Dân quân tự vệ quy định”.
Tại Đồng Nai, sự cố hơn 90% các doanh nghiệp bị đập phá hồi tháng 5/2014 là những doanh nghiệp chưa có lực lượng tự vệ. Điều này cho thấy, lực lượng bảo vệ trọn gói chỉ phát huy vai trò trong tình huống bình thường, không phức tạp. Đối với trường hợp cần ứng phó bất ngờ, nhanh nhạy thì phải xây dựng lực lượng tự vệ. Họ có ý thức chính trị cao, kỹ năng tự vệ tốt, được trang bị vũ khí theo quy định và trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan ở huyện Long Thành là một minh chứng. Trung đội tự vệ được thành lập ở đây từ năm 2009 đến nay vẫn bảo đảm về quân số, chất lượng hoạt động ổn định. Sự cố trung tuần tháng 5/2014, trong khi nhiều doanh nghiệp khác bị đập phá do những phần tử quá khích, công nhân phải tạm dừng sản xuất thì Vedan Việt Nam vẫn bảo đảm ổn định, sản xuất bình thường. Mỗi tháng công ty còn hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho Trung đội tự vệ hoạt động và bảo đảm chế độ phụ cấp Trung đội Trưởng theo mức lương tối thiểu vùng.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng lực lượng tự vệ trong 109 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã xây dựng thêm được 14 đơn vị tự vệ tại 14 doanh nghiệp có tổ chức đảng. Ngoài ra, có 6 doanh nghiệp không có tổ chức đảng xây dựng lực lượng tự vệ. Số doanh nghiệp đủ điều kiện, đang làm thủ tục xây dựng tự vệ là 33/78 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để làm nòng cốt, kịp thời phối hợp với các ngành chức năng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các khu công nghiệp, Đồng Nai đã tích cực thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng Trung đội dân quân tự vệ khu công nghiệp trên địa bàn. Toàn tỉnh đã thành lập được 17 trung đội dân quân tự vệ tại các khu công nghiệp. Các đơn vị này được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên phối hợp với đồn công an khu công nghiệp và lực lượng tự vệ các doanh nghiệp tiến hành tuần tra, canh gác, chốt chặn nhằm bảo đảm môi trường xã hội yên bình để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn.
Sau hơn 10 năm mô hình thành lập và đi vào hoạt động, lực lượng tự vệ các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở Đồng Nai đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Lực lượng này đã tham gia giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp, nhất là ngăn chặn hơn 50 vụ cướp có hung khí, bắt hơn 100 đối tượng giao cho cơ quan chức năng; phát hiện, góp phần cùng các ngành chức năng xử lý các vụ đình công, lãn công của công nhân ở các khu công nghiệp theo chức năng được phân công.
Tỉnh Đồng Nai luôn chỉ đạo chặt chẽ cơ quan quân sự trong việc xây dựng tổ chức, biên chế, chương trình, kế hoạch huấn luyện của lực lượng tự vệ sát với địa bàn và tình hình thực tế của doanh nghiệp. Nội dung huấn luyện đầy đủ các phương án bảo vệ mục tiêu, bảo vệ cơ quan, xưởng sản xuất, kịch bản phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, rò rỉ hóa chất, phòng cháy, chữa cháy, phối hợp giải quyết sự cố.
Cần tiếp tục thúc đẩy, nhân rộng
Nhận thấy lợi ích sát sườn khi doanh nghiệp có lực lượng tự vệ, giới chủ doanh nghiệp ngày càng đồng tình, ủng hộ thành lập tại đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi chưa xuất hiện lực lượng này. Nguyên nhân do phụ cấp chức vụ cho cán bộ tự vệ chưa đồng bộ; quân số tự vệ tham gia huấn luyện còn thấp; một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khâu tổ chức hoạt động còn hạn chế.
Nhằm bảo đảm môi trường đầu tư sẵn sàng đón bắt cơ hội trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương tập trung làm tốt các nhiệm vụ trong việc xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có tổ chức đảng.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: Trường hợp diễn ra những tình huống bất ngờ mà các lực lượng chức năng chưa kịp đến, chỉ có lực lượng tự vệ mới là nòng cốt trực tiếp bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhà đầu tư và người lao động. Nếu không có lực lượng, tác hại vô cùng lớn...
Tỉnh Đồng Nai rất thấu hiểu, khi đầu tư thì doanh nghiệp phải tính toán để sản xuất được sản phẩm cạnh tranh mà chi phí thấp, trong khi đó lại phải lo thành lập, duy trì hoạt động của đội ngũ tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ 2019... Nhưng nếu so sánh những thiệt hại mà các đơn vị không có tự vệ bị phá hoại tháng 5/2014, thì chi phí này không đáng bao nhiêu. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đề nghị những doanh nghiệp có tổ chức đảng ở mọi thành phần kinh tế phải là nòng cốt thành lập lực lượng tự vệ trước để làm gương cho các doanh nghiệp khác.