Đồng Nai nỗ lực phủ kín hệ thống cung cấp nước máy về nông thôn

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phủ kín mạng lưới cung cấp nước máy về các ấp, khu phố. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước máy ở nông thôn còn khá thấp, mới chỉ hơn 40% và đô thị đạt hơn 80%.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy cung cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai.
Một nhà máy cung cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai.

Biện pháp tăng tốc nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước máy đang được tỉnh quan tâm nhiều hơn. “Nơi nào có nhu cầu, nơi đó có nước máy” là mục tiêu của chính quyền huyện Thống Nhất hướng tới và đang quyết liệt hành động bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Tăng đầu tư hệ thống nước máy ở nông thôn

Thực hiện dự án “Hệ thống mạng lưới phân phối cấp nước 5 xã Kiệm Tân và khu đô thị Dầu Giây”, những ngày này, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân đang khẩn trương thi công, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước máy, đồng hồ nước ở nhiều tuyến đường hẻm, đồng thời áp dụng thủ tục đăng ký đơn giản nhất gắn với chính sách hỗ trợ đi kèm nhằm giảm chi phí ban đầu, để khuyến khích các hộ dân đấu nối sử dụng ngay.

100% số hộ dân trên một tuyến đường 500m thuộc khu phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Dầu Giây vừa đăng ký sử dụng nước máy, từ bỏ thói quen sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày hàng chục năm qua. Bà Hồ Thị Mỹ, một hộ kinh doanh cho biết lý do chuyển qua sử dụng nước máy cho sạch sẽ, vừa bảo đảm sức khỏe gia đình và cũng là để phục vụ chế biến giò chả bán ra thị trường.

Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân xây dựng hệ thống, đưa vào sử dụng cuối năm 2019, công suất thiết kế 40.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán. Ngoài doanh nghiệp cung cấp nước nêu trên, toàn huyện Thống Nhất còn có 4 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó hợp tác xã quản lý 2 công trình, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh quản lý 2 công trình, phân bổ ở các xã vùng sâu, vùng xa như Xuân Thiện, Lộ 25... Tổng công suất thiết kế của 5 công trình cấp nước tập trung đạt hơn 43.100 m3/ngày đêm; công suất thực tế hơn 18.300 m3/ngày đêm; hiệu suất hoạt động bình quân đạt gần 43%.

Qua đánh giá của ngành chức năng, tất cả các công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động bền vững. Riêng Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Trị An phù hợp với định hướng phát triển nguồn nước và bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân đến năm 2050. Đến nay, tổng chiều dài hệ thống ống truyền dẫn nước máy ở huyện Thống Nhất là hơn 280 km, tăng tới hơn 250 km, cấp nước tập trung cho gần 25.000 hộ dân đã lắp đặt đồng hồ, chiếm gần 58% tổng số hộ dân toàn huyện, tăng hơn 53% so với năm 2015. Tổng kinh phí đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung vừa qua hơn 159 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền, kết quả đáng phấn khởi này đến từ việc lãnh đạo huyện đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, chương trình và tổ chức đối thọai trực tiếp với người dân để nâng cao nhận thức về nước sạch. Ủy ban nhân dân huyện giao cho chính quyền các xã, thị trấn họp dân từng tuyến đường để tuyên truyền, vận động hỗ trợ mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến nước truyền dẫn và đấu nối sử dụng nước.

Địa phương đang phối hợp doanh nghiệp mở rộng đường ống phân phối để đến cuối năm 2025 cơ bản phủ kín và tỷ lệ người dân dùng nước máy đạt ít nhất 70% trở lên. Mong muốn của lãnh đạo huyện là vận động hơn 40% số hộ dân còn lại sử dụng nước máy khi có hệ thống cấp nước đi qua.

Thực tế một số nơi, nguồn nước sinh hoạt của người dân vẫn được tận dụng lấy từ giếng khoan, trong khi mực nước, chất lượng nước ngày càng suy giảm, không bảo đảm vệ sinh. Bà con đang nóng lòng được sử dụng nước máy. Chị Nguyễn Thị Viên, ở ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho hay: “Nhà tôi sử dụng nước giếng khoan, nhiều phèn, vòi rửa rỉ sét hết, phải thay mới liên tục, với lại khu vực này người ta hay dùng thuốc diệt cỏ nên rất đáng lo. Mong Nhà nước sớm cung cấp nước sạch để gia đình yên tâm sử dụng”.

Nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước máy

Xác định sử dụng nước sạch đạt chuẩn trong nhân dân là nhu cầu thiết yếu, và để tăng cơ hội tiếp cận nước máy cho người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, tỉnh Đồng Nai thường xuyên đôn đốc thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung nông thôn; liên tục đẩy mạnh đấu nối, mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước an toàn đến các khu dân cư hiện hữu; vận động người dân lắp đặt đồng hồ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; phối hợp quản lý tốt hành lang bảo vệ, cải tạo chất lượng các nguồn nước; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây tác hại đến nguồn nước ngầm; chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp bằng cách lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 90 công trình cấp nước tập trung nông thôn với tổng công suất thiết kế đang hoạt động là hơn 67.600 m3/ngày đêm, hiệu suất khai thác đạt hơn 46%. Một số dự án khác đang lập chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở. Thực hiện kế hoạch ban đầu trong năm 2024, tỉnh tiếp tục đầu tư lắp đặt hơn 960 km đường ống cung cấp nước máy đến khu vực nông thôn đấu nối từ tuyến ống cấp nước đô thị, với tổng kinh phí dự kiến là hơn 745 tỷ đồng.

Để chủ động mở rộng cấp nước cho khu vực các xã nông thôn, Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai có kế hoạch thực hiện thêm 40 dự án với tổng giá trị 400 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15/40 dự án, đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai mới đây lưu ý, mặt bằng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nhất là nước máy ở Đồng Nai còn thấp so với các tỉnh lân cận, cho nên từng huyện, từng xã phải nỗ lực để nâng tỷ lệ này lên.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề nước sạch năm 2023, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho rằng, nước sạch rất quan trọng với đời sống và sức khỏe người dân, mục tiêu của Đồng Nai không chỉ là 85% hay 90% tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, mà là mọi người dân đều được dùng nước máy.