Đồng Nai nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch

Báo cáo về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại kỳ họp thường kỳ giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức đã giải trình về ý kiến của đại biểu cho rằng, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước mặt tập trung (nước máy) còn rất thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai thi công hệ thống tuyến ống cung cấp nước tại huyện Trảng Bom.
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai thi công hệ thống tuyến ống cung cấp nước tại huyện Trảng Bom.

Nghịch lý là nhiều nơi đã được đầu tư hệ thống đường ống nhưng người dân còn ít đấu nối do thói quen sử dụng nước giếng.

Theo mục tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 84,5%. Tính đến tháng 6 vừa qua, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chiếm 84,08% trong tổng số 469.672 hộ dân; trong đó, công trình cấp nước tập trung khoảng 40,72%; công trình cấp nước nhỏ lẻ, lọc nước 43,37%.

Theo đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước của công trình cấp nước tập trung tăng 4,49% so với năm 2023, tương đương tăng 21.087 hộ dân. Mức tăng nêu trên còn chậm và khiêm tốn, nhưng đó là kết quả đến từ nỗ lực đẩy mạnh tập trung đầu tư xây dựng công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây.

Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh hoàn thành đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng năm công trình cấp nước tập trung nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 645 tỷ đồng, công suất 105.720m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 151.244 người; đồng thời, hoàn thành sửa chữa, nâng cấp năm công trình, với kinh phí gần 53 tỷ đồng, công suất 1.390m3/ngày đêm, cấp nước cho 11.016 người.

Về đầu tư mở rộng, đấu nối đường ống, Ủy ban nhân dân các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và sáu doanh nghiệp cấp nước đã đầu tư 598 km tuyến ống cấp nước đô thị phục vụ người dân nông thôn, với kinh phí 583 tỷ đồng, phục vụ cấp nước cho khoảng 34.429 hộ dân.

Đối với đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, ngành chức năng đang phối hợp lập chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở của tám dự án, với công suất thiết kế 38.450m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 294.567 người, tổng kinh phí khoảng 473 tỷ đồng. Về đầu tư đường ống mở rộng, đấu nối, đã lập kế hoạch lắp đặt khoảng 961 km đường ống đấu nối từ tuyến ống cấp nước đô thị, với tổng kinh phí khoảng 745 tỷ đồng trong năm 2024.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trong tỉnh đã vận động các hộ gia đình trên địa bàn lắp đặt khoảng 1.607 thiết bị lọc nước nhỏ lẻ, kinh phí khoảng 8,4 tỷ đồng trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức, mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia từ hệ thống cung cấp nước tập trung đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc kéo dài đã lâu như:

Nhiều hộ dân khu vực nông thôn còn có thói quen sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào để không phải trả thêm chi phí tiền nước, dẫn đến hiệu quả phục vụ của công trình cấp nước tập trung còn chưa cao. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn đã có tuyến đường ống chính của công trình cấp nước đô thị đi qua, nhưng việc đầu tư đường ống nhánh chưa đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư do tỷ lệ hộ dân đấu nối thấp, dẫn tới việc mở rộng các tuyến chậm hơn so dự kiến.

Nhiều hộ dân chưa thể đấu nối nước sạch do đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thành đấu nối vào các khu vực xa, đường hẻm còn cao so với mức thu nhập người dân nông thôn. Giá nước máy bán cho hộ gia đình thấp hơn giá nước sạch nông thôn và thấp hơn mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố lân cận diễn ra trong 10 năm qua cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp bị “hụt” nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới, dẫn đến mục tiêu tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch chậm.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, còn vấp phải vướng mắc về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất dẫn tới tiến độ thực hiện dự án chậm.

Về đấu nối thay thế việc cấp nước của các công trình cấp nước tập trung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, các doanh nghiệp cấp nước cân nhắc đầu tư do tỷ lệ đấu nối thấp; việc các doanh nghiệp từ chối tiếp nhận (hoặc mua lại) các công trình của ngân sách đầu tư trước đây do hệ thống đường ống cũ sẽ không chịu được áp lực nước, tỷ lệ thất thoát nước lớn dẫn đến kết quả đấu nối còn chậm so với yêu cầu thực tế đặt ra.

Trước hàng loạt bất cập nêu trên, để đạt mục tiêu cấp nước sạch nông thôn đề ra cho cả năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đang tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nổi bật là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng đường ống cấp nước tại một số công trình cấp nước tập trung nông thôn; tiếp tục vận động các hộ gia đình trên địa bàn các huyện và thành phố Long Khánh lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình tại những khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung.

Đồng thời, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch; đồng thời, đẩy nhanh tốc độ lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và lắp đặt đồng hồ nước đối với các hệ thống cấp nước mới đầu tư, phát huy tối đa công suất nhà máy, tăng nhanh số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có chín doanh nghiệp đầu tư cung ứng nước máy, nhưng tỷ lệ hộ dân tiếp cận nước sạch chưa cao; nhiều khu vực trong các đô thị chưa đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước, chưa đáp ứng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa là câu chuyện dân sinh được lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quan tâm lưu ý tại nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng.

Đây cũng là vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh năm 2022 đề nghị cho biết nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn hiện nay, và tiếp tục nhắc lại tại kỳ họp gần nhất trước tình hình thực tế chậm được cải thiện.

Bởi lẽ, nước sạch là tiêu chí cứng trong quá trình Đồng Nai quyết tâm giữ vững vị thế đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hơn nữa, để bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cung cấp nước tập trung theo nguyên tắc buộc tuân thủ các mục tiêu, tiêu chí mà tỉnh Đồng Nai đề ra phải phù hợp với quy hoạch chung của vùng và không được thấp hơn các tiêu chí mà quy hoạch vùng đề ra, cũng đang đặt ra áp lực, thách thức, đòi hỏi cố gắng lớn của chính quyền, người dân địa phương.