Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3

NDO - Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua bốn tỉnh, thành phố, có chiều dài hơn 90km, với tổng mức đầu 75.378 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Đối với tỉnh Đồng Nai, dự án đi qua hơn 11km, đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được Trung ương giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản, vừa tổ chức công tác giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng.

Chung quanh về thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này, phóng viên báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ba tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Đối với tỉnh Đồng Nai, đồng chí có thể cho biết, đã triển khai thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này như thế nào?

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 3 (xây lắp) và dự án thành phần 4 (giải phóng mặt bằng) đoạn thuộc địa phận tỉnh. Tỉnh Đồng Nai xác định, đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị vào cuộc, bảo đảm tiến độ khởi công theo Nghị quyết của Chính phủ đặt ra.

Để triển khai thực hiện, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, huy động các sở, ban, ngành liên quan và hệ thống chính trị huyện Nhơn Trạch tham gia. Đồng thời, xây dựng Quy chế phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An; ban hành kế hoạch triển khai theo các mốc thời gian đã được xác định tại Nghị quyết của Chính phủ.

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 2

Người dân xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai xem bản đồ dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 và Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch làm chủ đầu tư dự án thành phần 4. Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 11,26km thuộc huyện Nhơn Trạch. Điểm đầu tại Km0 kết nối với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và điểm cuối tại Km11+260 tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với phần đường cao tốc sẽ có quy mô 8 làn xe, đường song hành hai bên tối thiểu 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe hỗn hợp.

Phóng viên: Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành những phần việc, hạng mục gì để có thể khởi công dự án theo đúng kế hoạch Chính phủ đặt ra, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng: Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được Trung ương giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản, vừa tổ chức công tác giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, trước ngày 30/6, các địa phương phải bàn giao 70% mặt bằng để tổ chức khởi công. Ngày 27/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sau đó, các ngành liên quan của địa phương đã triển khai đồng thời các công việc, như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đến nay, chủ đầu tư dự án thành phần 3 đã hoàn thành công tác xác định ranh giải phóng mặt bằng và bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch tiến hành công tác đo đạc, kiểm đếm.

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 3

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị của người dân tại buổi lấy ý kiến về dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Phóng viên: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xem là một trong những khâu khó khăn đối với các dự án giao thông. Vậy, đối với dự án giao thông trọng điểm quốc gia này, đến nay thực hiện đạt kết quả như thế nào và địa phương có những cách làm sáng tạo ra sao?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng: Để phục vụ tái định cư các hộ dân bị giải tỏa trắng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giao Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch chủ động xây dựng các khu tái định cư tại xã Phú Đông, Phước An, Phú Hội với tổng số 2.097 lô tái định cư. Hiện, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện bảo đảm đủ điều kiện bố trí tái định cư cho dự án.

Từ cuối tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về việc triển khai thực hiện dự án tại một số xã của huyện Nhơn Trạch. Tại các buổi lấy ý kiến, đa số người dân đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án nhằm phục vụ cho lợi ích cho sự phát triển của địa phương và đất nước. Đây là một thuận lợi rất lớn trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất.

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 4

Khu vực triển khai xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch các khu tái định cư tại xã Phú Đông, Phước An, Phú Hội cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm cho người dân được di dời nơi ở trước khi thu hồi đất. Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân. Đồng thời, rà soát tiến hành công tác bồi thường một cách thỏa đáng, đúng quy định, tạo đồng thuận cao trong người dân có đất bị thu hồi. Quá trình tổ chức cấp tái định cư thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công bằng, đúng các quy định của pháp luật.

Phóng viên: Quá trình thực hiện dự án quy mô lớn này sẽ tất yếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền địa phương. Vậy, đồng chí có kiến nghị gì để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng: Trong thời gian qua, các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh Đồng Nai cần rất lớn khối lượng đá, cát xây dựng, vật liệu san lấp. Hiện nay, các mỏ khoáng sản của tỉnh đã bảo đảm đủ nguồn cung cấp về đá xây dựng. Riêng cát, tỉnh Đồng Nai phải nhập từ một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đối với vật liệu san lấp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quan tâm đưa vào quy hoạch khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, quy trình thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu còn nhiều bất cập phải thực hiện rất nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian, còn chồng chéo giữa Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 5

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Vừa qua, để tháo gỡ những vướng mắc vì chồng chéo trong quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ công trình đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, trong đó, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù này.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, như: thành phần hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu chưa có quy định rõ có hay không phải thực hiện thủ tục đầu tư, thuê đất, trong khi thời gian khai thác vật liệu san lấp thường theo tiến độ là khoảng 1 đến 2 năm của dự án đường giao thông; việc quy định sau khai thác, diện tích đất được bàn giao về địa phương quản lý chưa tạo sự đồng thuận của người dân. Điều này, dẫn đến các nhà thầu trực tiếp không thể thỏa thuận bồi thường với người dân có đất để tổ chức khai thác vật liệu phục vụ dự án.

Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dự án Vành đai 3 ảnh 6

Xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tính toán, nhu cầu đất đắp cho dự án Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh khoảng 0,5 triệu m³. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai rất nhiều dự án giao thông quan trọng khác, với tổng nhu cầu đất đắp khoảng 20 triệu m³. Vấn đề này, cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hỗ trợ, hướng dẫn để Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ động nguồn vật liệu san lấp cho dự án đường Vành đai 3, cũng như các dự án cao tốc và dự án khác đang triển khai trên địa bàn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này.

back to top