Đồng Nai cố gắng giải bài toán nhà ở xã hội

Với gần 600 nghìn công nhân lao động, trong đó phần lớn là người nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai có nhu cầu đặc biệt cao về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, 10 năm qua, địa phương chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng được hơn 5 nghìn căn. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nhưng đến nay tiến độ triển khai vẫn rất chậm.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nhà ở xã hội chuẩn bị đưa vào sử dụng tại thành phố Biên Hòa.
Một dự án nhà ở xã hội chuẩn bị đưa vào sử dụng tại thành phố Biên Hòa.

Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ có giao chỉ tiêu cho tỉnh Đồng Nai 22,5 nghìn căn hộ. Đến nay, địa phương đã phê duyệt quy hoạch và bố trí quỹ đất 1.000 ha để triển khai 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, cung ứng khoảng 10.000 căn, giai đoạn 2021-2025. Mặc dù chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tới năm 2025 còn khiêm tốn và thời gian gần đây tỉnh đã có những bước chuyển tích cực, song đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực sát sao hơn nữa mới có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn

Bảy tháng đầu năm 2024, có thêm 358 căn nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong ba năm từ 2021-2023, toàn tỉnh mới thực hiện được 945 căn. Như vậy, để hoàn thành 10 nghìn căn nhà ở xã hội theo mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, Đồng Nai còn phải hoàn thành 8.700 căn trong lộ trình hơn một năm còn lại.

Với quan điểm “phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là nhiệm vụ cấp bách”, tháng 8/2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu thực hiện 10 nghìn căn hộ trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, sau tròn hai năm, chính quyền tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư tám dự án với số lượng 9 nghìn căn hộ, đa số các dự án này đang thực hiện thủ tục để chuẩn bị khởi công.

Đáng ghi nhận, sau một thời gian dài gần như “đóng băng”, việc khởi công xây mới nhà ở xã hội đã có bước tái khởi động rõ rệt từ tháng 5/2024 với dự án tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, diện tích 1,41 ha, quy mô khoảng 1.000 căn hộ, tương ứng phục vụ quy mô dân số khoảng 1.900 người, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất và đưa vào khai thác từ tháng 8/2025.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân cũng là dự án đầu tiên được khởi động trong số năm dự án mà tỉnh Đồng Nai phấn đấu thực hiện trong năm 2024. Để kịp khởi công bốn dự án còn lại của năm 2024 với quy mô 9.000 căn hộ, ngay tại lễ khởi công Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, cùng Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đã ký kết thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội hai năm 2024-2025.

Lũy kế đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có hai dự án nhà ở công nhân do các chủ đầu tư công ty hạ tầng khu công nghiệp thực hiện và 10 dự án do các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng. Đây là số lượng quá ít ỏi so với nhu cầu hiện có của lực lượng công nhân lao động đông đảo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024 này, ngoài khởi công năm dự án đã duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô 9.000 căn, dự kiến sẽ hoàn thành thêm 715 căn. Theo kế hoạch, năm 2025 tỉnh phải hoàn thành 979 căn, khởi công bảy dự án khoảng 11.700 căn.

Nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thành

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai hiện nay là quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, chủ động kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án nhà ở phục vụ người lao động thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Không phải đến bây giờ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới trăn trở, chỉ đạo kiên quyết tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Ngày 22/8/2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; có chất lượng môi trường sống tốt, bảo đảm an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước-doanh nghiệp, người lao động, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người lao động, bảo đảm nhu cầu an sinh xã hội, thiết chế văn hóa tại các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Từ đó đến nay, các sở, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc đồng bộ, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhưng do một số khó khăn mà quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống chưa hiệu quả, dẫn đến thực tế cải thiện không đáng kể. Nổi lên là vướng mắc về quy hoạch, giao đất, đấu giá đất chưa được tháo gỡ kịp thời, nên nguồn lực dành cho nhà ở xã hội chưa nhiều.

Yêu cầu thực tiễn cấp bách đòi hỏi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, các cơ quan, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố bố trí nhân lực, nguồn lực thiết thực, đúng mức để nghị quyết mang tính nhân văn này được thực thi đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng quyết sách đúng, kịp thời nhưng triển khai ì ạch.

Kết luận đợt giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 tại Đồng Nai vào tháng 7 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn cho rằng: Đồng Nai có nhiều dự án, nhiều quỹ đất thực hiện các dự án nhưng nguồn cung nhà ở chưa nhiều.

Thời gian tới, tỉnh cần chủ động cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án đang triển khai; có chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân thuê. Chăm lo giải quyết nhà ở xã hội, nhất là phục vụ công nhân lao động nhập cư, thu nhập thấp cũng là vấn đề nóng, bức thiết đặt ra, được Đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, quan tâm lưu ý tỉnh chú trọng thực hiện mang lại hiệu quả thực chất, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai vào ngày 8/8 vừa qua.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 600 nghìn công nhân lao động làm việc. Số lượng lao động sẽ không ngừng tăng mạnh những năm tới.

Theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lộ trình đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tức là tăng thêm 15 khu công nghiệp so với hiện tại.

Hơn nữa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào Đồng Nai nhằm đón bắt cơ hội Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đi vào khai thác, với số vốn thu hút trong bảy tháng đầu năm hơn một tỷ USD, vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm 2024.

Xu hướng này, buộc lãnh đạo tỉnh phải tính toán cung ứng ít nhất 50 nghìn căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp sở hữu vào năm 2030. Hơn bao giờ hết, chính quyền tỉnh Đồng Nai lúc này đang khẩn trương rà soát, bổ sung, bảo đảm tính pháp lý của các khu đất làm nhà ở xã hội, mạnh dạn tìm tòi, áp dụng cơ chế, giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, ưu đãi thu hút nhà đầu tư.

Cùng với nỗ lực hành động mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 được tỉnh Đồng Nai cũng như các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ cơ bản các “nút thắt” bất cập liên quan đến thể chế, chính sách, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng cho các dự án nhà ở xã hội sớm triển khai.