Với mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, liên tục trong hai năm 2022-2023, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Không chỉ tập trung thúc đẩy “cỗ xe tam mã” là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng, gần đây, Chính phủ còn tập trung tiếp tục đổi mới nhằm củng cố thêm cho các động lực tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về các động lực tăng trưởng chính trong năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường trong nước, coi đó là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.
Khai thác lợi thế sân nhà
Thị trường nội địa bao gồm thương mại, dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP, nếu tăng được 10% là con số rất lớn. Hơn nữa, quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: Giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa nằm ở công cụ thuế, mở rộng tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch và tiếp tục cải cách thể chế. Cụ thể, đối với chính sách thuế, Quốc hội đã đồng ý với chủ trương kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết ngày 30/6/2024.
Đối với chính sách tiền tệ, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng và rà soát lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản nhằm đẩy mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội… “Các giải pháp này đã được Chính phủ ban hành và thực hiện trong năm 2023, đến nay cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nhằm khai thác thị trường nội địa. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng, kể cả chi tiêu của Chính phủ”, TS Trần Du Lịch nói thêm.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP năm 2023.
Dự báo năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Đáng lưu ý trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ bé, thiếu kết nối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khu vực kinh tế không chính thức đang chịu sự tổn thương lớn sau đại dịch Covid-19.
Đây là vấn đề cần lưu ý trong xây dựng chính sách để kịp thời có giải pháp khắc phục, nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung trước những khó khăn, thách thức trong năm 2024.
Làm mới giải pháp kích cầu
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần thực hiện theo các giải pháp truyền thống mà cần gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu các-bon. Bên cạnh đó, cần có hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cải cách thể chế nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Tháo gỡ được những thách thức nói trên sẽ giúp nền kinh tế có thể “vượt cơn gió ngược” để khôi phục đà tăng trưởng bền vững.
Nêu các định hướng cho ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2024, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lưu ý doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội đến từ việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới để vận hành cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành nhưng năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường… Nhắc đến thực trạng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam các năm 2022-2023 xuống thấp nhất khu vực Đông Nam Á, theo đánh giá của Nielsel, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị Chính phủ giữ ổn định công ăn việc làm cho người dân để giúp cải thiện chỉ số này.
Nhắc lại thực trạng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam còn dựa chủ yếu vào đóng góp của khu vực doanh nghiệp nước ngoài (FDI), chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chưa tạo sức lan tỏa nhiều cho nền kinh tế, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất, trong đó, chú trọng gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hướng vào các doanh nghiệp nội địa.
Theo các chuyên gia, khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam cần thực chất hơn nữa bằng chính sách thuế, cụ thể là giảm thuế VAT với lộ trình đủ dài thay vì giảm 6 tháng một lần nhằm tạo động lực cho thị trường. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để tạo hiệu ứng mạnh mẽ và đồng bộ.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng GDP năm 2024 và thời gian tới. Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó, đầu tư cần thời gian để lan tỏa thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng có khả năng đạt hiệu quả cao nhất.