Cơ chế mới giúp WHO triển khai nguồn lực nhanh hơn và linh hoạt hơn, từ đó gia tăng khả năng cứu sống nhiều người dân trong các tình huống khẩn cấp. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Chúng tôi hiểu rằng lời kêu gọi này được đưa ra vào thời điểm các quốc gia phải giải quyết nhiều ưu tiên, trong khi nguồn lực hạn hẹp. Tôi kêu gọi tất cả quốc gia thành viên và các đối tác cùng chung tay. Mọi đóng góp, dù lớn hay nhỏ, đều quý báu”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cam kết tài trợ gần 400 triệu USD trong vòng bốn năm tới, trong đó có hơn 260 triệu USD từ các khoản đóng góp tự nguyện mới. Ông Scholz khẳng định, những hoạt động của WHO mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nguồn tài chính bền vững, giúp WHO chủ động lập kế hoạch dài hạn và ứng phó linh hoạt với các thách thức y tế.
Ngoài Ðức, nhiều quốc gia và tổ chức khác cũng đưa ra cam kết tài trợ, bao gồm 16 quốc gia châu Phi. Những đóng góp này không chỉ là sự hỗ trợ tài chính mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong đối phó các khủng hoảng y tế toàn cầu.
Cho đến nay, WHO chủ yếu dựa vào cam kết tài trợ từ 194 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các khoản tài trợ này thường bị ràng buộc vào những dự án cụ thể, với nhiều điều kiện và thời hạn ngắn, gây khó khăn cho việc triển khai dài hạn. Cơ chế tài chính mới của WHO đặt mục tiêu huy động 7 tỷ USD trong tổng ngân sách 11,1 tỷ USD cho giai đoạn 2024-2028, giúp tổ chức này có thêm nguồn lực để đối phó hiệu quả với các khủng hoảng. WHO dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi đóng góp thêm tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tháng 11 tới tại Brazil, mở ra cơ hội mới để củng cố tài chính và bảo đảm khả năng phản ứng nhanh trong tương lai.