Ba khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,7% GDP, bao gồm: Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 641,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% và tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 319,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% và giảm 2,5% và khu vực Nhà nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2020 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, song vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 về tốc độ tăng tháng 9 (năm 2016 tăng 15,7%; năm 2017 tăng 8,1%; năm 2018 tăng 17,1%; năm 2019 tăng 11,4%; năm 2020 ước tăng 48%) và chín tháng (năm 2016 tăng 13,1%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2018 tăng 11,4%; năm 2019 tăng 6,3%; năm 2020 ước tăng 33,3%). Hơn nữa, vốn thực hiện khu vực nhà nước cũng có mức tăng vốn cao nhất trong ba khu vực trong chín tháng qua.
Trong bối cảnh có sự suy giảm đầu tư từ khu vực FDI và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn, như dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không, vận tải…, thì những cải thiện trong giải ngân đầu tư công nêu trên là có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm và hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như nỗ lực chủ động của các cấp ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong giải ngân đầu tư công.
Quý 4 năm 2020 là thời điểm quyết định để tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm 2020. Giải ngân nhanh và hiệu quả 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch cả năm nhằm gia tăng động lực phát triển kinh tế là trách nhiệm chung và còn khá nặng nề của bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống chính trị trên cả nước và mỗi địa phương.
Với quyết tâm giải ngân hết số vốn 630 nghìn tỷ đồng năm nay theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị chủ quản sử dụng vốn đầu tư công và cơ quan quản lý chức năng cần bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đơn vị liên quan, tăng cường lập các đoàn công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, chủ động và linh hoạt hơn trong việc rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án đủ điều kiện giải ngân; tiếp tục rà soát và đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân đầu tư công (bao gồm cả hướng dẫn pháp lý về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư …), nhất là với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, và một số dự án công trình quan trọng (như dự án đường cao tốc bắc - nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...).
Giải ngân vốn đầu tư công cần quyết liệt, kịp thời, nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Các dự án khởi công mới, cần khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, sớm thi công.
Các dự án đã hoàn thành cần đẩy nhanh công tác quyết toán, không để dồn lại cuối năm. Đặc biệt, những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chỉ rõ khó khăn vướng mắc cụ thể, thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp; rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn mà khi hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan Trung ương. Đồng thời, cần cương quyết có chế tài xử lý những đơn vị không giải ngân hết vốn đầu tư công như nghiêm lệnh của Thủ tướng đã đưa ra.